25% hàng hóa thương mại điện tử Việt Nam sụt giảm vì Trung Quốc đóng cửa biên giới
(DNTO) - Sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam đang chững lại, một trong những nguyên nhân là do nguồn cung hàng hóa phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc.
Chia sẻ tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics, ông Phan Xuân Dũng, CEO Công ty Giao nhận Ninja Van, công ty giao nhận hoạt động tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có bài chia sẻ về sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam.
Cụ thể, tổng hợp nghiên cứu từ VECOM, Bộ Công thương và Ninja Van cho thấy, giai đoạn 2017-2021, thương mại điện tử Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước 2012-2017.
Hiện người mua hàng dần mở rộng ra tất cả 63 tỉnh thành, lượng đơn hàng COD (giao hàng nhận tiền) giảm từ 100% xuống còn 90%. Chủng loại hàng hóa tăng mạnh, đặc biệt là các hàng xuyên biên giới. Các sàn thương mại điện tử cũng liên tục có các chương trình khuyến mại, các công cụ hỗ trợ người bán ngày càng phát triển.
Cũng trong giai đoạn 2017- nay, có khoảng 10 đơn vị vận chuyện có thể phủ sóng giao nhận trên cả nước. Toàn trình giao hàng giảm từ hơn 5 ngày xuống còn 3 ngày.
“Thương mại điện tử Việt Nam có tăng trưởng cao so với trung bình của thế giới, với sự tham gia tích cực của tất cả các bên tham gia, bao gồm người mua hàng, người bán hàng và các đơn vị vận chuyển. Giai đoạn 2017-2021, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thuộc Top 10 thế giới, do sự trưởng thành nhanh chóng của các thành phần trong hệ sinh thái”, ông Phan Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phan Quốc Dũng, các động lực tăng trưởng chính của thương mại điện tử trong thời gian qua đang có dấu hiệu chững lại.
Một trong những nguyên nhân đó là nguồn cung hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài, đặc biệt là phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong khi đó, các kênh sản xuất hàng hóa trong nước (thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng…) chưa đa dạng và chưa kết nối được với các kênh thương mại điện tử.
“25% số lượng hàng hóa bị tụt giảm khi Trung Quốc tiến hành đóng biên giới trong tháng 3. Vì vậy, người bán cần đa dạng nguồn nhập hàng từ các thị trường khác nhau để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng hậu Covid-19. Ví dụ có thể nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, đồng thời kết nối với các nhà sản xuất ở Việt Nam tới các kênh thương mại điện tử trong và ngoài nước”, ông Dũng cho hay.
Ngoài ra, lượng người mua hàng tại thành thị đã gần đạt đỉnh. 70% số đơn hàng có địa chỉ vẫn giao tại 5 khu vực thành phố lớn, trong khi vẫn thiếu các giải pháp mở rộng thị trường tới khu vực nông thôn; khiến chỉ số tiêu dùng cho thương mại trên đầu người có dấu hiệu tăng chậm lại.
Bên cạnh đó, thời gian toàn trình giao hàng còn cao, gây khó khăn cho việc mở rộng thị trường. Hiện thời gian giao hàng toàn trình ở Việt Nam là 72 giờ, gấp đôi so với Trung Quốc là 48 giờ. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam chưa đồng bộ với tốc độ phát triển của thị trường (các kho phân phối hàng chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Khả năng kết nối các trục giao thông Bắc – Nam còn hạn chế.
Vì vậy, theo nghiên cứu của báo cáo, cần có các nhóm giải pháp để tiếp tục giữ đà tăng trưởng cho thương mại điện tử Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.
Về phía người mua hàng, các kênh thương mại điện tử cần cung cấp các chương trình khuyến mại cho nhóm các thành phố, đô thị nhỏ hơn cũng như khu vực nông thôn.
Về phía người bán cần đa dạng kênh phân phối cả nước ngoài, cả nội địa để chủ động về nguồn cung ứng hàng hóa.
Các đơn vị vận chuyển mở rộng hệ thống kho bãi tới các khu vực tiềm năng cho thương mại điện tử để giảm thời gian toàn trình, nâng cao trải nhiệm giao nhận hàng.