Cuộc đua thu hút nhà bán hàng: Shopee lỗ nặng vẫn quyết ‘chơi khô máu’ với Lazada, Tiki
(DNTO) - Để luôn luôn “Rẻ vô địch”, Shopee rất mạnh tay chi tiền cho các chiến lược freeship hay giảm phí cho người bán để cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử khác, mặc dù trong nhiều năm nay, sàn thương mại điện tử này chưa hề có lãi.
Công cụ cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử
Mới đây, các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee nhận được thông báo sẽ được giảm 1% phí trên giá trị mỗi đơn hàng. Thế nhưng, điều kiện Shopee đưa ra hết sức kì cục: yêu cầu nhà bán hàng khóa gian hàng trên các sàn thương mại điện tử khác, chỉ được bán duy nhất trên sàn thương mại điện tử Shopee.
Đây không phải lần đầu tiên Shopee có hành động này. Trước đây, khi triển khai nhiều chương trình bán hàng lớn, Shopee cũng thường kêu gọi các nhà bán hàng tắt gian hàng trên Lazada. Đổi lại, Shopee sẽ hỗ trợ nhà bán hàng tăng lượng truy cập.
Trong bối cảnh mọi nhà bán hàng, mọi doanh nghiệp đang hướng đến việc đa dạng hóa nền tảng, hình thức phân phối, thì yêu cầu của Shopee bị nhiều nhà bán hàng đánh giá “không đẹp”.
Thực tế, nhiều năm nay, bên cạnh khách hàng, nhà bán hàng luôn là công cụ để các sàn thương mại điện tử cạnh tranh với nhau. Trước đó, Lazada cũng đã triển khai chương trình gắn thẻ “Shop xịn”, với yêu cầu nhà bán hàng trên nền tảng này phải bán giá thấp hơn trên Shopee.
Còn hướng đi của Tiki lại rất khác. Sàn thương mại điện tử này chú ý chọn lọc kĩ các nhà bán hàng, sản phẩm hàng hóa để nâng cao uy tín của sàn với người tiêu dùng. Đây cũng là điểm Tiki xem là lợi thế giúp mình thu hút nhiều nhà bán hàng và các thương hiệu uy tín.
Có thể thấy, các sàn thương mại điện tử luôn muốn có thêm nhiều nhà bán hàng, các nhà bán hàng phải bán trên nền tảng của mình với giá thấp nhất, thậm chí độc quyền. Bởi khi có lượng hàng hóa đa dạng, giá cả phù hợp sẽ dễ dàng thu hút khách hàng đến sàn. Cuộc chiến thu hút các nhà bán hàng giữa các sàn vì thế chưa bao giờ hết nóng.
Mạnh tay chi tiền hút các seller
Chỉ trong tháng 3/2022, Lazada đã tung ra gói ưu đãi lên tới 30 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các nhà bán hàng mới lên sàn, mang đến nhiều quyền lợi hơn gồm: miễn phí dịch vụ lấy hàng tận nhà, ưu tiên hiển thị sản phẩm; bộ banner trang trí gian hàng; sản phẩm và mã giảm giá được ưu tiên hiển thị trong trang chiến dịch của Lazada.
Dự đoán thương mại điện tử là xu thế sẽ tiếp tục bùng nổ, Lazada cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, logistics, shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) và các hoạt động hỗ trợ nhà bán hàng để phục vụ và chinh phục người dùng khắp Đông Nam Á.
Tiki cũng chú trọng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ các nhà bán hàng online bằng hệ sinh thái "tất cả trong một", gồm: marketing, quản lý đơn hàng và vận chuyển hàng hóa... giúp nhà bán hàng tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức trong khâu vận hành.
Còn với Shopee, con số 1% phí trên giá trị mỗi đơn hàng mà Shopee đưa ra để “dụ” các nhà bán hàng thực tế là không nhỏ. Ví dụ, với những đơn hàng trên 200.000 đồng, một ngày nếu shop bán được 1.000 đơn, tổng giá trị 200 triệu sẽ được giảm 1% là 2 triệu đồng.
Với hàng triệu nhà bán hàng trên nền tảng, việc quyết định giảm 1% của Shopee đồng nghĩa với việc sàn sẵn sàng chấp nhận mức thâm hụt nguồn thu khá lớn. Đây có thể xem là kế hoạch “chơi khô máu” của sàn với các đối thủ. Bởi lẽ, trong nhiều năm qua, Shopee chưa từng có lãi.
Theo Nikkei, khoản lỗ ròng của Sea công ty mẹ của Shopee là 617 triệu USD trong quý 4/2021, tăng so với 523 triệu USD trong một năm trước. Cả năm 2021, khoản lỗ ròng của Sea tăng lên 2,04 tỷ USD, từ 1,61 tỷ USD. Trong khi thương mại điện tử là một trong những động lực tăng trưởng chính của Sea, nhưng ghi nhận mức lỗ lên tới 941 triệu USD trong quý 4/2021, mặc dù Shopee đã phát triển nhanh chóng trong đại dịch, đứng đầu về lượng truy cập tại 6 quốc gia mà sàn đang hoạt động.
Tuy nhiên, kể cả người bán và người mua hiện nay đều rất thông minh. Họ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố để lựa chọn sàn thương mại điện tử phù hợp với nhu cầu, và đương nhiên, không ai dại gì “bỏ hết trứng vào một giỏ”.
“Mức giảm 1% của Shopee thực tế khá lớn với những shop có đơn hàng khủng. Tuy vậy, với những shop uy tín, sản phẩm chất lượng thì việc bán thêm các kênh khác đương nhiên vẫn hơn mức giảm 1% của Shopee. Chưa kể mỗi sàn có lợi thế, ưu điểm riêng nên không chỉ các nhà bán hàng mà thậm chí cả khách hàng họ cũng sẽ không trung thành với riêng một sàn nào cả”, anh Trần Bình, một nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử chia sẻ.