Nhộn nhịp đón vốn đầu tư mạo hiểm, nhiều startup thương mại điện tử sắp chạm ngưỡng kỳ lân
(DNTO) - Đầu năm 2022, hàng loạt các startup trong lĩnh vực thương mại điện tử như ON, Mio, FoodMap… công bố thông tin huy động thành công hàng triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Thương mại điện tử cũng được nhận định là lĩnh vực sẽ sản sinh thêm nhiều kỳ lân mới (startup định giá trên 1 tỷ USD).
Mảnh đất tiềm năng nuôi dưỡng kỳ lân
Chưa hết tháng đầu của năm mới 2022, hàng loạt các startup Việt trong lĩnh vực thương mại điện tử công bố đã nhận hàng triệu USD dòng vốn đầu tư mạo hiểm.
Mở đầu là FoodMap, sàn thương mại điện tử nông nghiệp, được thành lập vào năm 2020, đã huy động 3 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-series A do Vulpes Ventures và Beenext đồng dẫn đầu, với sự tham gia của Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker Partners.
Startup này hiện đã hợp tác với hơn 300 nông dân cùng nhà sản xuất, tỷ lệ giữ chân khách hàng là 60% và hầu hết chuyến giao hàng hoàn thành trong vòng 24 giờ.
Theo gót FoodMap là ON cũng huy động thành công 1,1 triệu USD vòng hạt giống, từ một nhóm các nhà đầu tư như Touchstone Partners, ThinkZone Ventures.
Kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 3/2021, ON đã thu hút hơn 10.000 người bán, trong đó 90% là phụ nữ, phần lớn sống ở các thành phố nhỏ hoặc các vùng nông thôn. Mỗi người bán có thể kiếm được tới 300 USD/ tháng bằng cách tiếp thị các mặt hàng trên ON mà không phải lo lắng về hàng tồn kho, quản lý hoặc giao hàng.
Gần đây nhất là Mio cũng hoàn thành vòng gọi vốn 8 triệu USD vòng series A từ một nhóm các nhà đầu tư, nâng tổng số vốn mà công ty huy động được kể từ khi thành lập (tháng 6/2020) lên 9,1 triệu USD. Mio là một sàn thương mại về mua bán hàng hóa nông sản và hàng tiêu dùng nhanh cho các thành phố cấp 2 và 3 tại Việt Nam.
Trong 1 năm qua, tổng giá trị giao dịch của Mio đã tăng hơn 50 lần. Hơn 10.000 sản phẩm tươi sống cũng được cung cấp trên nền tảng này mỗi ngày, giúp các nhà bán hàng có thể kiếm được tới 400 USD hoặc 10% hoa hồng cho mỗi đơn đặt hàng và các khoản thưởng hiệu suất khác.
Trước đó, 2 sàn thương mại điện tử Việt Nam khác là Tiki và Sendo cũng hoàn thành các vòng gọi vốn khủng. Trong đó, cuối năm 2021, Tiki hoàn tất vòng gọi vốn thứ 5 với 258 triệu USD, nâng định giá lên khoảng 832 triệu USD. Cuối năm 2019, Sendo cũng đã hoàn thành vòng gọi vốn Series C với tổng số tiền huy động được là 61 triệu USD và định giá tại thời điểm đó là 626 triệu USD.
Tiki và Sendo cũng được xếp vào hàng ngũ soonicorn, tức các công ty khởi nghiệp có tiềm năng phát triển thành unicorn (kỳ lân), theo báo cáo đổi mới sáng tạo 2021 của Bambuup và NSSC công bố mới đây.
Bùng nổ nhất Đông Nam Á
Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021 (theo nghiên cứu từ Facebook và Bain & Company). Và đương nhiên, Việt Nam hiện đang có nhiều điều kiện trợ lực cho sự phát triển của thương mại điện tử.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quỹ Đầu tư Do Ventures, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt để tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới. Hiện nhiều startup Việt Nam đã có thể cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.
Startup thương mại điện tử Việt Nam cũng đang tận dụng tốt bối cảnh xã hội để phát triển các dự án. Điển hình như 3 startup vừa gọi vốn thành công đầu năm 2022 là FoodMap, ON và Mio, đều ra đời trong giai đoạn 2020-2021, trong bối cảnh dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng hàng hóa truyền thống bị đứt gãy, người dân mất việc làm. Do vậy, các startup này đã ra đời và “đánh” đúng vào “nỗi đau” của xã hội, từ đó nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.
Bên cạnh đó, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, các startup Việt Nam hiện cũng đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức và Chính phủ. Thực tế, trong giai đoạn 2014-2020, Nghị định số 52, Quyết định số 689, Quyết định số 1563 liên quan đến các chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia được Chính phủ ban hành đã mở ra con đường cơ chế tích cực, góp phần trợ lực cho các doanh nghiệp, startup phát tireenr để duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số mỗi năm của ngành.
Đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng đó là thị trường với 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số, với mức tăng chi tiêu số tăng trưởng lên tới 80%/năm (theo Facebook và Bain & Company). Điều này là điều kiện thuận lợi để startup, doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển, và cũng là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi bước chân vào thị trường.
Bà Bùi Thanh Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, bộ này cũng sẽ kết hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, để các doanh nghiệp thuận lợi bước lên các sàn thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối.
Ở góc độ khác, những hoạt động này gián tiếp giúp các sàn thương mại điện tử tăng trưởng, khi có thêm cơ hội đón các nhà bán hàng mới, ở nhiều lĩnh vực, với nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng và đảm bảo hơn để phục vụ thị trường.