Nỗ lực không ngừng nghỉ của Tiki, Lazada và Sendo vẫn thua xa gã 'khổng lồ' Shopee
(DNTO) - Tăng cường gọi vốn, cải thiện chất lượng vận hành…, và hàng loạt những nỗ lực khác của 3 sàn điện tử Tiki, Lazada, Sendo vẫn không thể bằng con số 88,9 triệu lượt truy cập mỗi tháng của Shopee trong quý 4/2021.
3 sàn thương mại điện tử cộng lại chỉ bằng 1/2 Shopee
Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam vừa được iPrice Group công bố cho thấy, trong quý 4/2021, trong khi Shopee liên tục tăng trưởng thì Lazada, Tiki và Sendo dường như đang chậm lại, thậm chí có phần thụt lùi.
Cụ thể, lượng truy cập Shopee quý 4/2021 đạt mức gần 89 triệu lượt, tăng 14% so với quý trước đó và tăng 30% so với cùng kì năm 2020.
Trong khi đó, lượng truy cập của Lazada (20,6 triệu lượt) và Tiki (17,9 triệu lượt), gần như đi ngang so với quý 3/2021, thậm chí còn âm so với cùng kì năm 2020, Lazada -1% và Tiki -20%.
Tuy nhiên, chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ nhất thì phải kể đến Sendo. Sàn thương mại điện tử này hiện chỉ còn 4,9 triệu lượt truy cập mỗi tháng trong quý cuối năm 2021, giảm tới 56% so với cùng kì năm 2020. Dẫu vậy, con số 4,9 triệu lượt truy cập trang của Sendo cũng đã khá hơn chuỗi 8 quý sụt giảm liên tiếp trước đó của sàn này.
Như vậy, lượng truy cập của cả 3 sàn thương mại điện tử là Lazada, Tiki và Sendo cộng lại mới chỉ đạt 43,4 triệu lượt, gần bằng ½ lượng truy cập của Sendo (89 triệu lượt). Con số này cho thấy sự phân hóa giữa các sàn thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ.
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách với đối thủ
Kể từ quý 3/2018, sau khi chiếm được ngôi vương trong “Big 4” sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, Shopee liên tục giữ vững vị thế của mình trong 13 quý liên tiếp và ngày càng bỏ xa các đối thủ. Sự lấn lướt nhanh chóng của Shopee đã tạo ra áp lực buộc các sàn thương mại khác phải “nhìn lại mình” và có những chuyển hướng chiến lược.
Trong năm 2021, Lazada đã đạt được những con số kỷ lục về doanh thu, lượt truy cập, đơn hàng và tỷ lệ nhà bán hàng mới lên sàn, nhờ vào chiến lượt “3 dễ dàng”: "dễ dàng mua sắm - dễ dàng kinh doanh - dễ dàng vận chuyển". Từ tháng 10/2021 đến nay, số lượng nhà bán hàng mới trên Lazada tăng khoảng 30% mỗi tháng.
Khác với chiến lược của Lazada, Tiki lại dồn lực cho các vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm. Trong năm 2021, Tiki hoàn thành vòng gọi vốn series E với 258 triệu USD, nâng định giá lên khoảng 832 triệu USD và được xếp vào hàng ngũ soonicorn, tức các công ty khởi nghiệp có tiềm năng phát triển thành unicorn (kỳ lân giá trị 1 tỷ USD).
Với nguồn vốn gọi được, Tiki tích cực đầu tư nâng cao năng lực vận hành: logistics, kho bãi, nhân sự… để hướng đến mục tiêu tự động hóa 50% chuỗi hệ thống trung tâm vận hành và kho bãi.
Theo thống kê của Tech in Asia, tổng vốn công bố mà Tiki đã kêu gọi thành công đạt 468,7 triệu USD. Hiện Tiki có thể đang đàm phán với Shinbank Bank để tiếp tục huy động thêm 40 triệu USD cho vòng kế tiếp, theo DealStreetAsia. Tiki cho biết dự định niêm yết tại Mỹ trong vòng 1 năm tới, sớm hơn kế hoạch ban đầu là năm 2025.
Còn Sendo, sàn thương mại nội địa tích cực “lăng xê” hàng Việt, đặc biệt là nông sản và đặc sản vùng miền trong năm qua. Trong quý cuối năm 2021, Sendo chi 10 tỷ đồng đầu tư cho truyền thông và khuyến mãi trên diện rộng, nhằm thu hút khác hàng và các nhà bán hàng Việt, như đưa nông dân, hộ sản xuất livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Mặc dù Lazada, Tiki, Sendo đều đang rất nỗ lực cải thiện chính mình, nhưng dường như khả năng thu hẹp khoảng cách với gã khổng lồ Shopee ngày càng xa vời. Bởi lẽ, ngoài việc được trợ lực từ Sea, công ty mẹ với cổ đông lớn nhất là Tencent – công ty game lớn nhất thế giới; Shopee còn có một chiến lược kinh doanh thông minh và ưu việt.
Chiến lược chiếm và giữ ngôi vương của Shopee
Lần đầu tiên bước chân vào Việt Nam, Shopee bắt đầu với mô hình kinh doanh C2C (khách hàng với khách hàng) nhằm thăm dò thị trường. Nhờ đó, Shopee nhanh chóng trở thành mạng lưới trung gian khổng lồ kết nối người bán và người mua.
Từ nền móng C2C, Shopee tiếp tục phát triển song song mô hình B2C (doanh nghiệp và khách hàng), giúp thu hút các thương hiệu lớn lên sàn. Điều này đã giúp Shopee có cạnh tranh trực tiếp và nhanh chóng chiếm ngôi vương của Lazada từ quý 3/2018.
Để thu hút lượng người tiêu dùng khổng lồ tại Việt Nam, Shopee sử dụng chiến lược “Rẻ vô địch”, “đánh” trúng vào tâm lý thích săn hàng giá rẻ của đại đa số người tiêu dùng ở quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trung bình như Việt Nam.
Trong một thời gian dài, Shopee liên tục tung các chương trình freeship (vận chuyển miễn phí) cho các đơn hàng trên cả nước, điều mà các sàn thương mại khác khó có thể cạnh tranh vì nguồn lực tài chính. Đây cũng trở thành lợi thế cạnh tranh nổi bật của Shopee, thu hút nhiều nhà bán hàng vì dễ dàng bán sản phẩm với mức giá cạnh tranh, và thu hút nhiều khách hàng vì dễ dàng mua sản phẩm với giá ưu đãi.
Shopee cũng không ngại chi tiền cho các chiến lược tiếp thị, truyền thông. Trong những năm đầu tại Việt Nam, 90% ngân sách hoạt động của Shopee được đổ vào các chiến lược marketing hiện đại, đặc biệt là sự kết hợp với nghệ sĩ nổi tiếng, đang có sức hút: thầy trò đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, ca sĩ Bảo Anh, ca sĩ Sơn Tùng M-TP, Hương Giang idol… đã thu hút đông đảo các fan hâm mộ, đồng thời cũng là những tín đồ mua sắm đến sàn.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà Shopee có thể chiếm và giữ vị trí ngôi vương trong thời gian dài như vậy. Đương nhiên, mỗi sàn thương mại điện tử sẽ có một chiến lược và hướng đi khác nhau. Tuy nhiên, sự thành công của Shopee cũng là áp lực và là bài học cho các sàn thương mại điện tử trong cuộc chạy đua vốn được xem là vô cùng khốc liệt này.