Thị trường thương mại điện tử B2B: ‘Mỏ vàng’ còn bỏ ngỏ
(DNTO) - Có quy mô gấp đôi thương mại điện tử B2C, nhưng thương mại điện tử B2B chỉ thực sự được doanh nghiệp để mắt đến khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, việc chuyển từ offline sang online vội vàng khiến việc tận dụng tiềm năng từ thị trường chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Thương mại điện tử B2B (quá trình tiếp thị và bán sản phẩm trực tuyến giữa các doanh nghiệp) được nhận định là thị trường có tiềm năng và quy mô lớn gấp đôi so với thương mại điện tử B2C (tiếp thị, bán hàng từ doanh nghiệp đến khách hàng).
Theo báo cáo của DHL Express, thương mại điện tử B2B toàn cầu sẽ tăng trưởng hơn 70% vào năm 2027, đạt 20,9 nghìn tỷ USD. Đến năm 2025, 80% các giao dịch mua bán B2B sẽ diễn ra trên các kênh kỹ thuật số.
Mặc dù thương mại điện tử B2B của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á, đạt 13,2 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 43% vào năm 2025. Tuy nhiên, các mô hình kinh doanh B2B tại Việt Nam vẫn còn những khoảng trống, vì vậy chưa thực sự tạo được sự đột phá đối với nền kinh tế nước nhà.
Phân tích sâu hơn về điều này, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, chuyên gia tiếp thị và marketing online cho biết, tại Việt Nam, việc bán hàng trực tuyến đối với doanh nghiệp B2C dễ dàng hơn các doanh nghiệp B2B, bởi các doanh nghiệp B2B trước kia chủ yếu bán hàng thông qua tiếp xúc trực tiếp nên không chú trọng phát triển các kênh online nên rất khó khăn trong đại dịch.
“Trước kia, các doanh nghiệp B2B thường bán hàng thông qua tiếp xúc trực tiếp, một năm, doanh nghiệp bán được 30 đơn hàng cho 30 công ty, mỗi công ty lãi vài trăm triệu là có thể có doanh thu chục tỷ/năm. Do vậy, doanh nghiệp B2B thường không để ý đến việc online, không xây dựng thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ trên online. Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi tiếp cận khách hàng trực tuyến bị đứt gãy khiến doanh nghiệp này không thể nhanh chóng chuyển lên online vì nhiều doanh nghiệp ngay cả website cũng gần như không có”, ông Hưng nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh Mobio thừa nhận, trước đây các doanh nghiệp B2B chủ yếu tiếp cận khách hàng “trên bàn nhậu” nên ít chú trọng đến việc phát triển các kênh online. Chỉ đến khi đại dịch, các doanh nghiệp này buộc phải thay đổi hành vi.
“B2B có nghiệp vụ thu hồi nợ, cần bám sát hơn vì lời lãi của mình phụ thuộc vào đó. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không gặp mặt khách hàng trực tiếp giờ phải chuyển sang ‘mời bia online’. Ngoài ra, các doanh nghiệp B2B hiện nay bắt buộc phải sử dụng nền tảng online, vì đó là xu hướng, không nên chống lại xu hướng”, ông Sơn nói.
Để doanh nghiệp B2B có thể xây dựng “ngôi nhà online” hiệu quả, ông Bùi Quang Cường, CEO iViet, Giảng viên marketing tại Đại học FPT, khuyến nghị nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, là Website, Facebook, địa chỉ trên Google Map hay kênh Youtube.
Sau đó làm sao giúp cho “ngôi nhà online” hấp dẫn hơn. Ví dụ khách hàng vào “ngôi nhà online” của doanh nghiệp thì họ sẽ xem Website đủ hấp dẫn chưa, kênh Youtube, Tiktok, Fanpage đủ thu hút hay chưa. Xu hướng video hiện nay rất quan trọng, hãy tập trung nhiều video trong “ngôi nhà online”.
Sau khi xây được “ngôi nhà online”, ngoài các kênh truyền thống như những nhãn hàng B2C đang làm thì doanh nghiệp B2B cũng có rất nhiều mô hình như hội thảo trực tuyến, hội chợ trực tuyến, đưa gian hàng ảo lên online. Vì vậy doanh nghiệp cần có thêm đội ngũ giỏi kĩ năng digital. Từ những hội thảo đó sẽ kéo khách hàng về “ngôi nhà online” của doanh nghiệp, và trước khi đón khách, đương nhiên doanh nghiệp phải xây dựng, sắp đặt ngôi nhà một cách hấp dẫn, thú vị.
“Trước đây, khi hội thảo trực tiếp, họ trao danh thiếp cho nhau, niềm tin được xây dựng trực tiếp, nhưng giờ niềm tin đến từ ngôi nhà online”, ông Cường phân tích.