Đâu là lý do JD.com được chọn để đưa 'Gian hàng Quốc gia Việt Nam' sang Trung Quốc?
(DNTO) - Với những lợi thế về logistics và khả năng phủ sóng thị trường Trung Quốc, JD là đối tác được lựa chọn để xây dựng Gian hàng Quốc gia Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Lần đầu tiên có một không gian hàng hoá Việt trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc là “Gian hàng Quốc gia Việt Nam”, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT và KTS), Bộ Công thương và Tập đoàn JD cùng các đối tác vận hành tại Việt Nam bao gồm: Vinanutrifood, Viettel Post, VPBank, Visa hợp tác xây dựng và phát triển.
“Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn JD.com sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường tỷ dân là Trung Quốc. Doanh nghiệp cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.
Chia sẻ về lý do lựa chọn sàn JD.com để xuất khẩu hàng Việt sang Trung Quốc, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, ngay cả trong thị trường nội địa, hàng Việt vẫn lép vế trên các trang thương mại điện tử, nên sẽ rất khó khăn cho người mua muốn tìm kiếm hàng Việt giữa một thị trường mênh mông như vậy. Do đó, việc phát triển Gian hàng Việt Quốc gia trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước là cách làm thị trường cho hàng Việt.
“Chúng tôi đã sang Trung Quốc rất nhiều lần, tìm hiểu thị trường và nhận thấy rằng cần thiết phải mở một Gian hàng quốc gia Việt tại đây. Qua tìm hiểu các sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy rằng JD.com là phù hợp hơn cả, hướng tới thị trường nội địa Trung Quốc nhiều hơn Alibaba cũng như hệ thống hỗ trợ logistics sàn này tốt hơn”, ông Hải nói trong Họp báo Công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com, sáng 30/11.
JD hiện là tập đoàn kinh doanh thương mại điện tử có quy mô lớn thứ 2 tại Trung Quốc (sau Alibaba). "Gã khổng lồ" thương mại điện tử tại Trung Quốc có doanh thu đạt 203,2 tỷ NDT (tương đương 31,57 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 39% so với cùng kỳ.
Không chỉ là sàn thương mại điện tử, JD còn là tập đoàn bán lẻ quy mô lớn nhất Trung Quốc bao gồm các hình thức tự kinh doanh (JD Trading) và siêu thị - thương mại điện tử B2C - hệ thống cửa hàng của riêng JD với mô hình quản lý chặt chẽ từ nhà sản xuất, chất lượng hàng hoá bán trên JD được thẩm định kỹ càng.
Ngoài ra JD có hệ thống logistics do chính JD đầu tư vận hành là một trong những hệ thống có độ phủ lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc hiện nay, do vậy JD có thể cam kết rằng sau khi hàng được đưa vào thị trường Trung Quốc từ 3-5 ngày có thể chuyển phát đến tận tay khách hàng.
“Với những lợi thế đó, tập đoàn JD là đối tác phù hợp và là cửa ngõ đầu tiên để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Trung Quốc một cách chính quy, chuẩn tắc phù hợp với thương mại điện tử quốc tế”, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và KTS nói.
Cục TMĐT và KTS cho biết sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối thuận lợi trên "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử JD, của luật pháp tại nước nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ Công thương, vận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa là phương thức kinh doanh phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc, xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tại EU, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất đã đạt tới 146 tỷ Euro, chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.
Dự kiến năm 2023, doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu ước đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, trong bối cảnh phương thức xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.