Nối gót Alibaba, Amazon, một loạt ‘ông lớn’ thương mại điện tử ngấp nghé vào Việt Nam
(DNTO) - Tradekey (Trung Quốc) hay EC21 (Hàn Quốc) đang tích cực làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam để tiến vào thị trường Việt Nam, giống như cách Alibaba và Amazon đang thực hiện.
Nhộn nhịp sân chơi thương mại điện tử
Thông tin về việc có thêm nhiều đại gia thương mại điện tử quốc tế sẽ bước chân vào Việt Nam được bà Bùi Thanh Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương tiết lộ trong Hội thảo Thương mại điện tử trong Hiệp định UKVFTA hôm 18/1.
Vị này cho biết, hiện Bộ Công thương đang làm việc tích cực với một số sàn thương mại điện tử như Tradekey hay EC21 để có thể mở đường cho các sàn vào Việt Nam trong năm nay.
Theo tìm hiểu, TradeKey là công ty toàn cầu được thành lập tại Trung Quốc vào năm 2006, đang sở hữu, quản lý và vận hành tradekey.com - sàn giao dịch B2B hàng đầu thế giới. Tradekey.com hiện đang kết nối doanh nghiệp mua bán, xuất nhập khẩu từ 220 quốc gia; thường xuyên có 9.5 triệu người truy cập với trên 32 lượt triệu trang được xem hàng tháng; trên 91 triệu nhà nhập khẩu đăng ký mới trên mỗi tháng.
Trong khi đó, EC21.com – sàn thương mại điện từ B2B hàng đầu ở Hàn Quốc, được thành lập năm 1997, hiện đang sở hữu 2,5 triệu thành viên là người mua và bán từ 245 quốc gia. Hiện đang có trên 3,5 triệu sản phẩm trưng bày cùng hơn 3 triệu lượt chào mua và bán trên sàn.
Ngoài ra, một đại gia thương mại điện tử đến từ Hoa Kỳ là Global Sources cũng đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 2008-2009, tuy nhiên, chủ yếu vẫn xoay quanh lĩnh vực hàng gia dụng. Trong năm tới, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ có động thái hợp tác mạnh mẽ hơn với sàn này để thúc đẩy doanh nghiệp Việt lên thương mại điện tử quốc tế.
Có thể nói, thành công của 2 đại gia là Alibaba và Amazon trong việc thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế đã tạo động lực cho nhiều ông lớn khác trong ngành ráo riết muốn bước chân vào Việt Nam.
Điều này không quá khó hiểu khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với 2020, lên 13 tỷ USD; với 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), trong đó 55% đến từ các khu vực nông thôn.
Việt Nam cũng được dự báo là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị năm 2021, theo tính toán của Google, Temasel, Bain & Company.
Chưa chắc dễ dàng
Việc có thêm nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế bước vào Việt Nam là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế. Nhìn lại hoạt động của 2 sàn thương mại điện tử là Alibaba và Amazon có thể thấy rất rõ điều này.
Theo thống kê của sàn Amazon, từ 1/9/2020-31/8/2021, gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam được bán cho khách hàng trên Amazon khắp thế giới. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và số sản phẩm tăng lần lượt 15% và 34%. Số lượng doanh nghiệp vượt mốc doanh thu 1 triệu USD tăng hơn 40%.
Tại Alibaba, theo thống kê của sàn đến tháng 7/2021, Việt Nam có tổng cộng trên 600.000 sản phẩm trên sàn, tổng số đơn đặt hàng trong 1 tháng lên tới 50.000 đơn.
Tuy nhiên, chính vị đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng thừa nhận, việc đưa các doanh nghiệp lên Amazon là câu chuyện không hề dễ dàng.
“Theo kinh nghiệm, Cục Xúc tiến Thương mại điện tử cùng đội nhóm Amazon đã phải làm cật lực trong giai đoạn 2020-2021, lượng doanh nghiệp lên sàn để bán được hàng trên này phải trải qua rất nhiều khâu đào tạo. Tuy nhiên, nó thể hiện một điều rằng, khi chúng ta đã bán hàng trên Amazon thì chứng chỉ về uy tín, chất lượng, hình ảnh về sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn nhất định”, bà Hằng cho hay.
Thấy rõ cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm, nguồn lực, năng lực, kỹ năng trong lĩnh vực mới như thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thời gian tới sẽ tập trung cao độ vào hoạt động nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có sự hỗ trợ nhất định để tham gia vào thương mại điện tử một cách bền vững, tức không phải chỉ tham gia khi có sự hỗ trợ kỹ thuật từ cơ quan chức năng và các sàn, mà phải đủ năng lực để vận hành gian hàng lâu dài. Do vậy, chúng tôi hiện đang làm việc rất cụ thể với các sàn thương mại điện tử lớn để có chương trình, hoạt động phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp”, bà Bùi Thanh Hằng thông tin.
Đại diện Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, việc xây dựng gian hàng quốc gia trên các nền tảng thương mại điện tử đang là xu hướng hiện nay, để lựa chọn doanh nghiệp uy tín, sản phẩm điển hình, giới thiệu với thị trường quốc tế một cách hiệu quả dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng và các sàn, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng số để có thể khai thác tối đa khả năng thương mại của các sàn. Ngoài ra, tầm nhìn của doanh nghiệp cũng phải thay đổi, phải xác định thương mại điện tử là kênh phân phối bắt buộc, đưa vào trọng tâm của chiến lược kinh doanh dài hạn. Khi đó mới có thể bố trí nhân lực, nguồn lực, tài chính để triển khai và đạt được hiệu quả như mong muốn.