Startup thương mại điện tử được nhà sáng lập Amazon rót vốn đầu tư
(DNTO) - Nipun Mehra, nhà đồng sáng lập và là CEO của công ty thương mại điện tử Ula tại Indonesia, đã được Jeff Bezos, tỷ phú kiêm nhà sáng lập Amazon rót vốn đầu tư. Ngạc nhiên hơn, anh chính là nhân viên cũ của Bezos.
Cảm hứng kinh doanh từ Bezos
Startup thương mại điện tử Ula là một thị trường buôn bán với mục đích hiện đại hóa hàng triệu ki-ốt bán lẻ trên cả nước (hay được gọi là warungs), bằng cách cung cấp dịch vụ kiểm kê và giao hàng cũng như tài chính.
Được thành lập vào tháng 1/2020 bởi CEO Mehra, do đại dịch Covid-19, công ty phát triển mạnh mẽ khi chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số, cho tới nay đã huy động được hơn 117 triệu USD tài trợ từ những ông lớn như Tencent hay Lightspeed Venture Partners.
Một trong số đó là Bezos, với văn phòng gia đình là Bezos Expeditions đã đầu tư một khoản tiền sau khi ông được nghe kể về Ula.
Mặc dù chưa bao giờ được gặp vị tỷ phú này, nhưng Mehra đã từng làm việc dưới quyền của ông với tư cách là kỹ sư phần mềm tại trụ sở chính của Amazon ở Seattle, trước khi gia nhập gã khổng lồ thương mại điện tử Flipkart tại quê nhà Ấn Độ.
Giống như Bezos, Mehra khao khát trở thành một doanh nhân. Nhưng phải đến nhiều năm sau, khi đang làm việc với tư cách là nhà đầu tư tại Sequoi India, anh mới thấy cơ hội để thích ứng với mô hình thương mại điện tử truyền thống cho một thị trường mới: ki-ốt thực phẩm nhỏ tại Indonesia.
“Amazon, Flipkart là một điển hình, hay ở Đông Nam Á chúng tôi có Shopee, Lazada, Tokopedia… đã phát triển nhiều hơn ở nền tảng không phải là thực phẩm. Thực phẩm là một cách rất khác để vận hành mọi thứ,” Mehra cho biết.
Thích ứng thương mại điện tử cho Indonesia
Indonesia có dân số đông cùng với nền kinh tế phát triển nhanh, được coi là cơ hội lớn cho các doanh nhân và các nhà đầu tư.
Trung tâm là hàng triệu ki-ốt của đất nước, nơi bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh như đồ uống, thực phẩm đóng gói hay đồ gia dụng.
Họ là một phần quan trọng của xã hội, đặc biệt là những tỉnh và thành phố ngoài thủ đô Jakarta, chiếm gần 72% tổng doanh thu hàng tiêu dùng trị giá 47 tỷ USD của cả nước.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn dựa vào các phương thức truyền thống để bổ sung nguồn cung cấp bằng cách đóng cửa các cửa hàng của họ khi họ đến các cửa hàng bán buôn để dự trữ hàng hóa.
“Về cơ bản, chúng được điều hành bởi hai người. Họ sở hữu doanh nghiệp, họ cần phải mua sắm những thứ để bán”, Abheek Anand, giám đốc điều hành tại Sequoia India, một trong những nhà đầu tư của Ula, trả lời CNBC.
“Để họ gia nhập vào chuỗi cung ứng ngoại tuyến thực sự rất kém hiệu quả. Họ phải đi chợ địa phương, dành hàng giờ để tìm hiểu xem nên mua gì, mua từ đâu,” ông nói thêm.
Dựa vào kiến thức chuyên môn của Amazon
Mehra muốn đơn giản hóa quy trình đó bằng cách tạo ra một nền tảng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, cho phép những chủ gian hàng đặt hàng với mức giá cạnh tranh và giao hàng tới cửa hàng của họ với chi phí thấp.
Thế nên, anh đã kêu gọi những đồng nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử để giúp mình.
Đồng nghiệp cũ của anh ấy từ Amazon là Alan Wong, Riky Tenggara từ Lazada, và giám đốc điều hành Procter&Gamble Derry Sakti đã đứng ra thành lập đội ngũ sáng lập.
“Chúng tôi đã học tất cả những thứ này tại Amazon và tại trường kinh doanh. Làm thế nào để chúng tôi đưa tất cả mọi thứ vào chiếc smartphone nhỏ bé này và giúp mọi người vừa kiếm cũng như tiết kiệm được nhiều tiền?”, Mehra chia sẻ.
Hoạt động trong đại dịch
Công việc kinh doanh có khởi đầu ổn định. Nhưng vài tháng sau khi đi vào hoạt động vào tháng 1/2020, đại dịch Covid-19 ập đến, khiến những nhu cầu về các dịch vụ như Ula trở nên cần thiết hơn.
Việc phải đóng cửa hàng khiến việc chủ hàng tìm nguồn hàng từ những người bán buôn trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi nhu cầu của khách hàng đối với những mặt hàng thiết yếu hàng ngày tăng lên.
“Nhu cầu trên thị trường đã hoàn toàn thay đổi. Khi có lệnh phong tỏa, ưu tiên đầu tiên của bạn là thực phẩm”, Mehra cho biết.
Nhà sáng lập này đã phản ứng một cách nhanh chóng, thu hút hàng chục nghìn chủ cửa hàng và mở rộng đội ngũ từ 15-400 người trên khắp Indonesia, Singapore và Ấn Độ. Sự tăng trưởng nhanh chóng đã lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư, giúp họ thu hút được đợt đầu tư đầu tiên trong vòng 6 tháng.
“Sự bổ sung thú vị nhất cho công ty là việc Jeff Bezos đầu tư, điều này rõ ràng là điểm nhấn tốt cho công việc kinh doanh. Nhưng có nhiều người thực sự thông minh đã tham gia cùng chúng tôi trong suốt chặng đường”, nhà đầu tư Anand của Sequoia India cho biết.
Tham vọng tăng trưởng
Vào tháng 10/2021, Ula huy động được 87 triệu USD. Mehra cho biết số tiền mặt này sẽ hướng tới việc mở rộng thị trường hiện tại, cũng như tung ra thứ gọi là dịch vụ mua trước, trả sau để cung cấp cho chủ sở hữu những khoản vay nhỏ.
Trong vòng 18 tháng tiếp theo, CEO Mehra hy vọng sẽ tăng gấp 4 lần số lượng thương nhân mà Ula làm việc cùng, từ 70.000 người hiện nay lên 300.000 người. Anh cũng mong sẽ giúp các thương gia mở rộng sang các danh mục mới như quần áo và công nghệ, với mục tiêu lớn nhất là gấp đôi thu nhập của họ.
“Theo suy nghĩ của tôi, đó là điều sẽ dẫn đến một hình thức bán lẻ mới. Không phải thứ mà chúng ta đã thấy ở Mỹ, không phải thứ mà chúng ta đã thấy ở Trung Quốc. Đó sẽ là một giải pháp độc đáo, đặc trưng của Indonesia”, Mehra chia sẻ.