Cách nhiều startup ‘lướt sóng’ Covid-19
(DNTO) - Nhanh chóng rẽ hướng và lột xác, nhiều startup dù còn non trẻ vẫn thuận lợi vượt qua đại dịch.
Là người trẻ khởi nghiệp liên tục với nhiều startup như Aligo Kids (nền tảng giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em), Aligo Media (dịch vụ hỗ trợ xây dựng thương hiệu), Memory Love Book (thiết kế sách), dịch Covid-19 đối với Ngô Thùy Anh là một cú sốc khá lớn. Tuy nhiên, khi mô hình truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do các khách hàng cắt giảm ngân sách marketing trong đại dịch, startup này lập tức chuyển hướng.
Hướng đi mới của Thùy Anh và cộng sự là “nhắm” vào các doanh nghiệp đang kinh doanh truyền thống chuyển sang thương mại điện tử. Một hướng đi khác của startup này là xây dựng cộng đồng để hỗ trợ những người cao tuổi khi họ bị cô lập, chịu nhiều thiệt thòi về thể chất, tinh thần do đại dịch nhưng không muốn chia sẻ vì sợ làm gánh nặng cho người thân.
“Lúc đó, chúng tôi có ý tưởng phát triển một ứng dụng mà người cao tuổi dễ dàng sử dụng và tập luyện tại nhà. Việc giúp người cao tuổi tiếp cận với môi trường online gặp rất nhiều khó khăn, vì vẫn phải đi qua các kênh truyền thống, qua người thân để hướng dẫn người già sử dụng công nghệ.
Thế nhưng, chúng tôi cũng nhận được tín hiệu đáng mừng. Đó là cứ 6g30 sáng hàng ngày, nhóm người cao tuổi của chúng tôi đều tập luyện. Dù chỉ là những bài khí công đơn giản, kéo dài 30 phút nhưng họ được tập cùng nhau là sự động viên rất lớn, họ cảm thấy khỏe hơn, có kết nối xã hội, giúp họ vui hơn và khắc phục một phần ảnh hưởng thể chất, tinh thần”, bà Thùy Anh chia sẻ về việc sáng lập Hasu – ứng dụng dành riêng cho người cao tuổi trong đại dịch.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng được CEO Nguyễn Văn Hoang, founder thương hiệu giày Việt Banuli lựa chọn để giúp doanh nghiệp sống sót qua đại dịch. Từ 7 cửa hàng đang ăn nên làm ra, đến tháng 10/2021, Banuli chỉ còn 3 cửa hàng. Đặc biệt sau 4 tháng giãn cách, có 3 cửa hàng chấp nhận cắt lỗ, đóng cửa.
Để thích nghi với dịch Covid-19, từ mô hình nhượng quyền kinh doanh có cửa hàng showroom, Banuli chuyển sang nhượng quyền kinh doanh cửa hàng trực tuyến, với sự thay đổi linh hoạt về cơ chế chính sách, nhằm tối ưu chi phí và rủi ro kinh doanh cho đối tác.
CEO Nguyễn Văn Hoang trực tiếp đào tạo và cung cấp nền tảng bán hàng trực tuyến, hỗ trợ công nghệ cho đối tác. Cũng thời điểm này, Banuli có định hướng và đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cho việc xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Việt ra nước ngoài.
Làn sóng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải tự mình tìm cách lột xác.
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo thuộc Techfest 2021 cho biết, doanh nghiệp, người dân Việt Nam hoàn toàn có thể đổi mới sáng tạo bằng việc cải tiến những thứ đã có hay ứng dụng thành quả của thế giới để chuyển mình với sự thay đổi của Covid-19, từ những sáng kiến nhỏ nhất như ATM gạo, ATM Oxy, buồng khử khuẩn, kính che mặt hay những lớn hơn như vaccine Nanocovax, kit xét nghiệm nhanh…
“Những đổi mới sáng tạo đến từ mọi nơi, trong cộng đồng xã hội, từng lĩnh vực, kể cả những người làm cơ chế chính sách hay trong chính mỗi doanh nghiệp. Một trong những chuyển mình của doanh nghiệp đã nhìn thấy rất rõ là chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ online để duy trì vận hành, tồn tại phát triển”, ông Khuê cho biết.
Khi cộng đồng và doanh nghiệp đã có thể thích ứng nhanh với đại dịch, thì chính sách cũng cần phải thay đổi nhanh chóng. Đây là lý do ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết vì sao nhiều nước trên thế giới vừa qua đã ra cơ chế sandbox (cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm các chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới trong phạm vi và thời gian xác định).
“Singapore trong một năm ra hàng chục sandbox để làm sao đưa sản phẩm công nghệ mới áp dụng vào cuộc sống nhanh nhất. Tôi cho rằng trong giai đoạn mới, để thích ứng với Covid-19 phải có những giải pháp lướt thật nhanh, bên cạnh đó phải có những sandbox để giải pháp của các startup, doanh nghiệp, người dân, kể cả các nhà sáng chế không chuyên nhanh chóng đưa ra thị trường, bởi nếu theo quy trình cũ thì rất lâu và khi đưa ra thị trường có thể đã lạc hậu”, ông Quất nhấn mạnh.