Thấy gì từ việc Toyota, Samsung cho đến Vingroup, Viettel chạy đua R&D?
(DNTO) - Đổ tiền vào R&D (nghiên cứu và phát triển) không chỉ giúp các tập đoàn lớn phát triển, mà hiện được nhiều doanh nghiệp xem là lợi thế cạnh tranh cốt lõi, trong bối cảnh thị trường biến động không ngừng sau đại dịch.
2.819 bằng sáng chế của Toyota được cấp phép tại Mỹ trong năm 2020, tăng 4% so với năm 2019, là một con số ấn tượng. Giữa lúc đại dịch bùng phát mạnh mẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số (giảm 4,0%) và sản lượng (giảm 6,4%), hãng này vẫn không ngừng đầu tư cho R&D và cho biết sẽ không giới hạn trong bất kì nội dung nghiên cứu nào.
R&D cũng được Samsung xem là yếu tố cốt lõi để mở rộng sức ảnh hưởng của mình. Samsung đã sở hữu 7.000 bằng sáng chế chỉ trong 8 tháng đầu năm và cũng là tập đoàn đứng đầu thế giới trong khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, theo Business Korea.
Tại Việt Nam, các tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup cũng không ngừng đẩy mạnh R&D. Hết tháng 9/2021, Viettel đã có 44 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam, 7 bằng sáng chế được cấp tại Mỹ và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt trong danh sách 276 tổ chức dẫn đầu về đổi mới sáng tạo năm 2021 do Clarivate (Anh) bình chọn.
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), thuộc Tập đoàn Vingroup cũng rót 136 tỷ đồng cho 28 dự án khoa học công nghệ trong năm 2020, trước đó là 124 tỷ đồng cho 20 dự án trong năm 2019, nhằm hỗ trợ thúc đẩy và thương mại hóa nghiên cứu khoa học công nghệ.
Hiện nhiều "đại bàng" công nghệ như Qualcomm, Fujitsu, SAP, Google, LG hay Samsung..., đã và đang chạy đua để xây dựng các căn cứ điểm R&D mới tại Việt Nam.
Tờ Nikkei Asia nhận định, những quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế thường dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến và có tiếng nói hơn khi thế giới thiết lập các tiêu chuẩn ngành. Và đối với các doanh nghiệp, canh tranh cốt lõi hiện nay phải là R&D.
Phân tích sâu hơn về điều này, bà Lê Mỹ Nga, đại diện cho quỹ LondonTower Capital, ‘bà đỡ’ quen mặt của giới khởi nghiệp Việt, cho biết có rất nhiều công ty bà đã từng tư vấn cảm thấy rất xa lạ với việc đổi mới sáng tạo vì họ nghĩ họ vẫn đang vận hành ổn định, không nhất thiết phải đưa công nghệ vào. Ví dụ phòng tập gym đầu tư máy móc là khách đến tập, cứ gì phải áp dụng công nghệ.
Hay khi tham gia hỗ trợ cho các startup, bà Nga cho biết rất nhiều startup không chịu nghĩ đến thị trường, R&D. Vì startup cho rằng mô hình của họ rất mới, thậm chí đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, ngay cả vậy thì vẫn bắt buộc phải có sự quản trị rủi ro vì khi đưa sản phẩm ra thị trường, ngay lập tức sẽ có đơn vị khác coppy và thậm chí họ có thể làm tốt hơn.
Đặc biệt, hiện các startup đang trỗi dậy trên toàn thế giới, các công ty startup ở Mỹ, châu Âu sẵn sàng đặt văn phòng tại Việt Nam như cách Google, Facebook, Amazon đang làm và chiếm thị trường Việt Nam chỉ trong một nốt nhạc. Khi đó, doanh nghiệp muốn thay đổi cũng không đủ nguồn lực để theo kịp sự bành trướng của họ.
“Vì vậy, câu hỏi đầu tiên tôi luôn hỏi startup là điều gì khiến startup của bạn có thể cạnh tranh trong tương lai. Kể cả hệ thống, mô hình của bạn rất mới, đáp ứng yêu cầu của quỹ đầu tư hiện tại nhưng bắt buộc phải nghĩ đến việc có thể cạnh tranh với các đối thủ khác, không chỉ hiện tại mà cả sau này. Tuy nhiên, hầu hết startup đều bị ngắc ngứ trước câu hỏi này”, bà Nga cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia của LondonTower Capital, nếu doanh nghiệp không thể tự mình đẩy mạnh R&D thì phải kết hợp với các đối tác. Với startup nếu cho rằng mình không có tiền nên không thể R&D liên tục, nếu vậy thì nên dừng lại vì sẽ không thể cạnh tranh được.
“Các chủ doanh nghiệp phải tự thoát ra khỏi doanh nghiệp của mình để quan sát sự vận hành của thị trường và thay đổi hành vi tiêu dùng. Áp lực hiện nay đến từ việc họ có thay đổi hay không và buộc họ phải nhìn thấy nỗi đau của thị trường.
Giống như căn bệnh ung thư, các biểu hiện bệnh âm ỉ, nhưng đến khi bệnh phát tác thì phát hiện đã quá muộn. Doanh nghiệp cũng vậy, nếu không phát hiện được điểm đau, giải quyết được điểm đau thì không giải quyết được khối u và sẽ chết. Áp lực từ thị trường đôi giống như chất khí không màu, không mùi, khó nhận diện, chỉ có những người muốn thay đổi mới nhìn ra được”, bà Nga khuyến nghị.
Cũng theo vị chuyên gia này, sự sáng tạo đổi mới trong mỗi doanh nghiệp không ai có thể dạy cho họ mà chỉ có bản thân mỗi người tự suy nghĩ về việc nên sáng tạo như thế nào để đổi mới doanh nghiệp của mình trước cuộc cách mạng 4.0.
“Công nghệ hiện là công cụ mà doanh nghiệp có sẵn trong tay, nhưng nó cũng chỉ là nguyên vật liệu để làm bánh, còn làm bánh gì, như thế nào phụ thuộc vào sự sáng tạo của con người trong mỗi công ty” bà Nga nói.