Startup vay nợ để sống
(DNTO) - Dòng vốn rẻ không còn như giai đoạn trước khiến hành trình gọi vốn của startup ngày càng khó khăn hơn. Nhiều startup đang lựa chọn phương án vay vốn thay vì gọi vốn để duy trì hoạt động của mình.
Tìm đường mới “tiếp máu”
Chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu nhằm kìm chế lạm phát đã làm thu hẹp dòng chảy vốn đầu tư mạo hiểm vào thị trường khởi nghiệp.
Nhiều “ngôi sao sáng” trong giới đầu tư thế giới như Tiger, SoftBank… nhanh chóng nhận trái đắng sau giai đoạn điên cuồng “săn” các startup công nghệ. Để giờ đây, khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, ngay cả các cổ phiếu công nghệ vốn rất “hot” trong vài năm trở lại đây như Facebook, Netflix đã giảm từ 50-70%. Một số kì lân (startup định giá trên 1 tỷ USD) trong làng khởi nghiệp như Grab, Goto, Zoom… cũng nhanh chóng sụt giảm giá trị khi niêm yết.
Trong khi đó, ước tính khoảng hơn 1.000 startup kì lân còn lâu mới có thể có lãi, đã khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính chắc chắn của dòng tiền đặt cược vào các công ty khởi nghiệp. Nếu trước kia, khi các cổ phiếu công nghệ thăng hoa, startup dễ dàng gọi hàng triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, thì nay, khi dòng vốn thắt chặt buộc các startup tìm đường để sống, thay vì dựa vào “nguồn máu” được cung cấp từ các quỹ đầu tư.
Động thái đầu tiên của các startup là lũ lượt cắt giảm nhân sự. Theo trang theo dõi hoạt động nhân sự công nghệ Layoffs.fyi, khoảng 333 startup đã sa thải tổng cộng 51.789 nhân viên trong năm nay.
Thế nhưng, việc cắt giảm nhân sự, tối ưu mô hình hoạt động chưa thể giúp startup cải thiện tình hình khi phần lớn những doanh nghiệp sống và phát triển dựa vào việc “đốt tiền”.Để tiếp tục tồn tại, nhiều startup tìm đến con đường vay vốn.
Theo dữ liệu từ PitchBook Data, cho vay mạo hiểm đang tăng đáng kể trong vài năm qua. Cụ thể tại Mỹ, khối lượng tiền cho vay mạo hiểm đạt 17,1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi vốn đầu tư mạo hiểm giảm 8% so với cùng kỳ, xuống còn 147,7 tỷ USD.
Trước nhu cầu vay vốn của startup gia tăng, nhiều tổ chức tài chính lớn cũng đang tiến hành mở rộng danh mục cho vay mạo hiểm. Blackstone Inc. dự kiến dành 2 tỷ USD cho các startup vay trong vài năm tới.
Làn sóng khởi động từ Việt Nam
Tại Việt Nam, làn sóng startup vay vốn đang bắt đầu hình thành trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, các nhà đầu tư thẩm định và giải ngân chậm.
Như startup giao hàng Loship, sau khi huy động thành công 25 triệu USD từ các nhà đầu tư ở các vòng gọi vốn trước, startup này chuyển hướng sang tìm kiếm các nguồn vay tài chính, thay vì tiến tới vòng gọi vốn series C. Động thái này hoàn toàn trái ngược với tham vọng của startup trước đó khi mong muốn tiến tới vòng gọi vốn Series C trong quý 1/2022, với định giá tăng gấp đôi.
Thế nhưng, việc tăng định giá startup trong giai đoạn này là rất khó khăn và sẽ phải đối diện với quá trình thẩm định khắt khe, kéo dài từ các quỹ đầu tư. Bởi thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh sau quãng thời gian tăng trưởng nóng, nhiều startup định giá cao hơn giá trị, các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng khi xuống tiền. Do đó, việc vay vốn thay vì gọi vốn được xem là phù hợp với Loship trong bối cảnh cần nguồn vốn gấp để mở rộng và cải thiện hoạt động kinh doanh.
Một startup khác tại Việt Nam là Be Group mới đây cũng thông báo đã vay ít nhất 60 triệu USD từ Deutsche Bank để tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường gọi xe công nghệ. Khoản vay này được phép tăng lên 100 triệu USD, cùng với nguồn vốn từ các nhà đầu tư hiện tại kỳ vọng sẽ giúp Be Group soán ngôi Grab tại thị trường Việt Nam.
Dẫu vậy, ngay cả chuyển hướng sang việc vay nợ cũng không phải là con đường dễ dàng với các startup. Bởi quy định của hầu hết các ngân hàng, tổ chức tài chính ở Việt Nam vẫn khá gắt gao, yêu cầu các tài sản đảm bảo (bất động sản, máy móc thiết bị…), trong khi startup không có gì ngoài tài sản trí tuệ. Các startup hiện muốn vay vốn hầu hết phải tìm kiếm các tổ chức tài chính nước ngoài.
Bên cạnh đó, áp lực vay vốn cũng không nhỏ khi startup sẽ phải đối diện với khoản trả lãi thường xuyên, đồng thời đi kèm với chi phí và rủi ro khác. Nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc thị trường nợ ngày càng tăng có thể đẩy các công ty khởi nghiệp xuống vực thẳm nhanh hơn. Do đó, điều quan trọng là startup cần nhanh chóng thắt chặt kỷ luật, tìm kiếm nguồn tiền từ việc bán sản phẩm, dịch vụ và giá trị của mình để nuôi sống chính mình, thay vì thoải mái “đốt tiền”.