‘Ngân hàng’ đề bài cho startup ở đâu hiệu quả nhất?
(DNTO) - Những vấn đề từ nhỏ đến lớn của chính các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp… cần được đặt ra thành đề bài để kéo startup cùng giải quyết.
Tiết kiệm 5 triệu USD chỉ từ sáng kiến nhỏ
Khi quan điểm về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở được đưa ra cuối năm 2021, tức sẽ kéo nhiều hơn các thành phần vào trong hệ sinh thái khởi nghiệp, người ta chú ý đến một thành tố vô cùng quan trọng, đó chính là những địa phương, tổ chức, tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Họ là những người sẽ tham gia ra đề bài cho startup giải quyết.
Bởi bản thân các địa phương, tổ chức hay chính những tập đoàn, doanh nghiệp đều đang gặp phải vô vàn những vấn đề từ nhỏ đến lớn, mà bản thân họ, dù có nguồn lực nhưng thiếu tính sáng tạo để giải quyết. Trong khi đó, các startup dù có ý tưởng và sức sáng tạo nhưng lại thiếu nguồn lực và năng lực, nên thường dễ “chết” ở giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường, vì không đo lường năng lực hấp thụ thị trường.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng trong cuộc hội thảo mới đây chia sẻ kinh nghiệm từ phía Phần Lan trong việc kéo startup vào các thành phố, doanh nghiệp để giải quyết vấn đề cho họ.
Cụ thể, tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan, nơi đang đối diện với tình trạng công ty xử lý rác thành phố phải đi đến từng điểm thu gom, nhưng không phải tại điểm nào thùng rác cũng đầy. Một vấn đề đặt ra là công ty cần biết khi nào điểm tập kết rác sẽ đầy để điều phối xe đến thu gom, tránh lãng phí nguồn lực.
Khi đề bài được đưa ra, một sinh viên đã có ý tưởng lắp đặt sensor (bộ cảm biến) trong thùng rác, để thu thập dữ liệu chuyển về trung tâm điều khiển, nhằm phát hiện khi thùng rác đầy để điều phối xe chở rác đến. Chỉ một sáng kiến nhỏ đó đã tiết kiệm cho thành phố Helsinki mỗi năm 5 triệu USD.
Theo Thứ trưởng, những năm vừa qua, Việt Nam đang phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp chung, nhưng năm nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở được đưa ra, các nước phát triển như Singapore và nhiều nước trao đổi và đang thực hiện.
“Điểm khác là đầu bài đặt ra được các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nêu lên và ý tưởng sáng tạo của startup tham gia giải quyết. Và những ý tưởng đó khi giải quyết được doanh nghiệp hấp thụ và đưa vào phương án sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Như vậy, hệ sinh thái được tiếp thêm một nguồn lực từ phía các tập đoàn, tổng công ty, làm cho hệ sinh thái của chúng ta phát triển”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Nhân rộng thần tốc từ địa phương
Chia sẻ lý do vì sao các địa phương, chính quyền, doanh nghiệp… ra đề bài cho startup sẽ hiệu quả hơn việc startup mò mẫm tìm kiếm vấn đề của thị trường, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, khi chính các đơn vị ra đề bài từ những vấn đề họ gặp phải, thì chắc chắn vấn đề đó đã được xác định, thị trường đã được khẳng định, nguồn lực sẵn có, điều họ cần là trí tuệ của startup.
“Thầy và trò của các trường, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cùng nhau giải quyết thông qua các chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp, sau đó quay lại cho những người ra đề. Lúc đó thị trường có khả năng nhân rộng rất nhanh, nhất là các thị trường địa phương, trước khi startup gọi vốn đầu tư quốc tế.
Cách làm này là một vòng khép kín từ khi khởi động, ra đề bài là chính những người đã sử dụng chứ không phải từ những ý tưởng sẵn có hay chủ động từ các sinh viên, học sinh. Những người cố vấn xác định vấn đề đủ tầm cho startup giải quyết, như vậy các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư để mang giải pháp đó nhân rộng ở các địa phương khác cũng như nhân rộng nước ngoài”, ông Quất cho hay.
Thực tế, những bài học trên thế giới đã chứng minh cách giải quyết này đúng. Ví dụ như tại thành phố London (Anh), nơi có nhiều vụ tắc nghẽn giao thông nhất thế giới đưa ra bài toán làm sao giải quyết tình trạng ách tắc trong sân ga. Ngay lập tức, các startup vào cuộc và ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo, IoT, robot, hiện tình trạng này đã được cải thiện và trở thành một mô hình có thể nhân rộng ở tất cả các nhà ga trên thế giới.
Hay ở Ai Cập, năng lượng nhiên liệu vô cùng quan trọng, chi phí cho điều hòa nhiệt độ ở các khu công trình cao tầng rất tốn kém. Vì thế, các startup ở trường đại học đưa ra giải pháp thông minh, tiết kiệm các đèn tự động trên tất cả các đường cao tốc, khu công cộng, tòa nhà, giúp tiết kiệm hàng triệu USD. Mô hình này sau đó cũng được nhân rộng ở các nước Ả rập.
Như vậy có thể thấy, việc kéo các địa phương, tập đoàn ra đề bài cho startup không còn là cuộc thử nghiệm, mà là cách làm đã được minh chứng tại nhiều thị trường quốc tế. Việc này sẽ giải quyết được 2 vấn đề. Một mặt, các địa phương, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đổi mới sáng tạo để giải quyết vướng mắc hiện hữu để phát triển. Một mặt, các startup sẽ có sẵn vấn đề, thị trường và nguồn lực để phát huy tính sáng tạo trong những sản phẩm mang tính tiên phong.
Tuy vậy, điều này phụ thuộc rất lớn vào chính sách của địa phương, tư duy lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức. Bởi không phải địa phương nào cũng hào hứng, cởi mở tạo cơ chế, sân chơi cho các startup, dù mang trong mình rất nhiều “bệnh”; cũng không phải người lãnh đạo nào cũng đủ tầm nhìn và kiến thức để nhận ra giá trị của các nguồn lực đổi mới sáng tạo.
Do đó, việc cần làm trước mắt là đẩy mạnh truyền thông cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn lớn về vấn đề này vì thay đổi tư duy là việc làm khó nhất và cũng mất nhiều thời gian nhất. Tuy nhiên, khi thay đổi được tư duy, sẽ có khả năng tạo ra cuộc cách mạng trong cách làm, phương pháp hỗ trợ startup.