Gian nan tìm ‘thầy’ cho startup
(DNTO) - Đội ngũ mentor (cố vấn), tư vấn viên còn thiếu khiến lượng startup Việt Nam tuy nhiều nhưng vẫn chưa thể lớn mạnh. Nhiều startup có ý tưởng tốt nhưng khó triển khai thành công vì không có người dẫn dắt.
Đừng để startup ‘lạc đường’
Tỉ lệ 90% startup thất bại là một con số quá lớn và rất đáng buồn, đặc biệt là tại các thị trường khởi nghiệp còn non trẻ như Việt Nam. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra đó là thiếu đội ngũ mentor (cố vấn).
Mentor được xem như những người thầy đầu tiên cho startup khi các founder bước vào thương trường không có gì ngoài nhiệt huyết cống hiến. Họ sẽ tư vấn, cố vấn cho startup về đường đi, nước bước trong quá trình phát triển sản phẩm, xây dựng doanh nghiệp. Thậm chí đôi lúc còn đóng vai trò như những người “ghìm cương” những “chú ngựa non háu đá”.
Thế nhưng, các startup khó tiếp cận với các mentor. Một phần vì startup thiếu thông tin, thiếu mối quan hệ với các chuyên gia trong ngành, lĩnh vực của mình. Một mặt khác là các chuyên gia tại Việt Nam hiện vẫn hoạt động độc lập, riêng rẽ nên tác động đối với hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa cao.
Đó là lý do nhiều startup luôn rơi vào tình trạng có ý tưởng tốt nhưng “không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào”, và nếu cố tình dấn thân khởi nghiệp thì tỉ lệ thất bại thường rất lớn.
Kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp của bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện rất nhiều địa phương đã ban hành các đề án, chương trình hỗ trợ startup ở địa phương mình. Nhưng một khó khăn vẫn là đội ngũ chuyên gia.
“Các địa phương chia sẻ rằng hiện đội ngũ chuyên gia chỉ tập trung ở các thành phố lớn, nhiều địa phương vùng sâu vùng xa rất khó tìm. Mặc dù hiện nay hai bên có thể tương tác qua online nhưng để truyền cảm hứng, để cùng doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh thì việc các chuyên gia có mặt trực tiếp sẽ tốt hơn nhiều, thuận lợi hơn rất nhiều. Vì vậy cần chiến lược phát triển đội ngũ chuyên gia ở các địa phương” bà Thủy cho hay.
Mentor cần “về một mối”
Tập hợp đội ngũ chuyên gia, cố vấn vào một mạng lưới đang là sáng kiến được nhiều đơn vị triển khai, không chỉ với các đơn vị khởi nghiệp, mà cả trong những bộ ngành.
Theo TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia, hiện nay, nguồn lực cố vấn ngoài xã hội không thiếu, đó là đội ngũ doanh nhân thành đạt sẵn sàng chia sẻ những gì họ có, họ đã trải qua cho cộng đồng. Vấn đề là làm sao dẫn họ vào cộng đồng để cống hiến cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
“Chúng tôi đang cố gắng bắc cầu, tạo nên một cộng đồng mentor như vậy vì gắn một người vào cộng đồng thì khó, nhưng gắn một tập thể vào hệ sinh thái thì dễ hơn. Các nhóm mentor khi trở thành cấu phần của hệ sinh thái thì startup cũng tìm kiếm dễ dàng. Đó là mục tiêu đầu tiên mà chúng tôi đặt ra để tạo bệ phóng cho startup”, ông Thắng chia sẻ.
Đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cũng cho biết, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, các bộ ngành của Việt Nam như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp… cũng đang hình thành Vietnam Mentor Network – Mạng lưới chuyên gia tư vấn, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Các thông tin về chuyên gia được công khai trên các cổng thông tin để doanh nghiệp SME, startup dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận.
“Trong các chương trình phối hợp với JICA, UNDP chúng tôi cũng có chương trình nâng cao năng lực cho tư vấn viên. Năm ngoái, chúng tôi đã phối hợp với ILO để chuẩn hóa 150 chuyên gia tư vấn. Hiện đội ngũ chuyên gia này đã xuống các doanh nghiệp sản xuất để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi ở nước ngoài”, bà Thủy cho hay.
Thế nhưng, để một cố vấn đáp ứng tiêu chuẩn của bộ ngành đề ra rất khó. Đơn cử như các tiêu chí để được công nhận cá nhân, tổ chức tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên ngành Kế hoạch và Đầu tư là phải có bằng đại học trở lên trong lĩnh vực thực hiện tư vấn hoặc có chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề liên quan đến lĩnh vực tư vấn. Đồng thời, phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm giám đốc doanh nghiệp từ 10 nhân viên trở lên hay cán bộ quản lý tại doanh nghiệp; cán bộ làm việc tại tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp SME, dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; cán bộ tư vấn cho doanh nghiệp…
Có ý kiến cho rằng, hiện đội ngũ giảng viên, cán bộ tại các địa phương rất dồi dào, một lượng lớn cũng có kiến thức chuyên môn nhất định trong một ngành, lĩnh vực, cũng có thể hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp, startup. Tuy vậy, họ không có nhiều kinh nghiệm thực tế để đáp ứng tiêu chuẩn tư vấn viên của bộ ngành. Liệu đây có phải là sự lãng phí.
Trả lời câu hỏi này, bà Bùi Thu Thủy cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án để phối hợp với các địa phương phát triển nguồn chuyên gia, cố vấn tại chỗ thông qua việc kết hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Còn theo TS Đàm Quang Thắng, đào tạo một cố vấn theo chuẩn rất khó, nhưng làm sao để họ có môi trường, cơ hội phục vụ cộng đồng còn khó hơn. Và điều này phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động của mỗi địa phương trong việc thiết kế các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.