Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp từ Trung Quốc, Israel và những hệ sinh thái startup nổi bật trên thế giới 2022
(DNTO) - Không thể phủ nhận vai trò “bà đỡ” của các Chính phủ đã giúp hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều nước như Israel, Trung Quốc hay Hàn Quốc.... vụt sáng trong những năm qua.
Không tách rời “đứa trẻ” startup
Tính đến tháng 4/2022, Hàn Quốc có tổng cộng 12 kỳ lân (startup tỷ đô). Số lượng công ty khởi nghiệp tại đây lên tới 6.000 và thu hút 6,4 tỷ USD vào năm 2021, tăng 80% so với năm trước đó. Không thể phủ nhận rằng Hàn Quốc có nhiều tài năng công nghệ khi là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ dân số trẻ (từ 25-34 tuổi) có bằng đại học.
Tuy vậy, cũng không thể bỏ qua vai trò “bà đỡ” của Chính phủ. Những năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc liên tục tăng các khoản đầu tư cho thị trường khởi nghiệp. Năm 2022, Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Khởi nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư thêm 1.000 tỷ won vào quỹ Korean Fund of Funds, nâng tổng giá trị của quỹ này lên tới 2.000 tỷ won (1,6 tỷ USD). Bộ cũng thành lập quỹ riêng về hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trị giá 2.300 tỷ won và một quỹ hỗ trợ tạm thời 100 tỷ won.
Hay để thúc đẩy ngành công nghệ xanh, Hàn Quốc đã tung gói hỗ trợ lên tới hơn 90 tỷ won (73 triệu USD), nhằm hỗ trợ các startup, doanh nghiệp triển khai các ý tưởng để giảm thiểu carbon, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Ngoài nguồn lực tài chính như Hàn Quốc, các quốc gia như Israel, Trung Quốc còn tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tại Israel, một quốc gia khởi nghiệp nơi đang có hệ sinh thái 120 tỷ USD, gần gấp 4 lần giá trị trung bình toàn cầu, cũng là một trong những quốc gia chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cao nhất, chiếm 5,44% GDP.
Ở Trung Quốc, những năm gần đây, nước này đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động R&D. Năm 2021 là gần 2,8 nghìn tỷ NDT, chiếm 2,44% GDP. Hết nửa đầu năm 2022, Trung Quốc đã có 312 kỳ lân, thu hút 24,7 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm và được xem là đối thủ trực tiếp của Thung lũng Silicon (Mỹ) về đổi mới sáng tạo.
“Bà đỡ” cũng phải tự mình đổi mới sáng tạo
Nếu như startup đóng vai trò là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thì Chính phủ là “bà đỡ” không thể thiếu trong hệ sinh thái này. Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào hình thành quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Chính phủ Israel và Trung Quốc tập trung mạnh mẽ vào thúc đẩy cải cách khoa học và công nghệ, tất cả các chính sách để nhằm đảm bảo một môi trường khởi nghiệp lành mạnh, phát triển và bền vững.
Thế nhưng, ngoài việc dẫn dắt và hỗ trợ hệ sinh thái phát triển, Chính phủ các nước còn phải tự mình đổi mới sáng tạo để theo kịp sự phát triển năng động của hệ sinh thái.
Như tại Israel, khi đầu tư R&D chủ yếu đến từ khu vực tư nhân (chiếm 90%), đặt ra thách thức cho khu vực Nhà nước khi khó bắt kịp với những thay đổi và biến động thị trường. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Israel cho ra đời chuỗi kế hoạch đổi mới sáng tạo, nhằm đẩy mạnh sự hợp tác công – tư để những ý tưởng được thử nghiệm và ứng dụng vào thị trường trong nước trước khi ra thế giới.
Ở Việt Nam, trong năm qua, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có những bước tiến vượt bậc, thể hiện qua những con số ấn tượng như xếp thứ 54/100 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu; thu hút gần 500 triệu USD vốn mạo hiểm trong 9 tháng đầu năm; có 3.800 startup, 3 kỳ lân, 208 quỹ mạo hiểm. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm, đã có 116 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp, tăng tới 127% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, trong Bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2022, Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia và nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm trước đó, vụt mất vị trí đứng đầu các nước có mức thu nhập trung bình thấp vào tay Ấn Độ. Trong đó, hai chỉ số giảm mạnh nhất là trình độ phát triển của thị trường và sản phẩm tri thức, công nghệ. Các chỉ số khác như vốn con người và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng cũng còn rất hạn chế.
Kết quả trên cho thấy việc nỗ lực duy trì đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Bởi các quốc gia hiện nay đều nhận ra vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, coi đây là một trong những động lực cạnh tranh hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ các nước không ngừng tung ra những chính sách để phát triển hệ sinh thái.
Đơn cử tại Hàn Quốc, nước này không chỉ tạo điều kiện cho startup trong nước, mà còn tích cực tổ chức các chương trình như K-Startup Grand Challenge hàng năm, nhằm thu hút ý tưởng từ các startup nước ngoài hoạt động ở nước này, cũng như tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Trong cuộc chạy đua trên xa lộ đổi mới sáng tạo, các quốc gia đều nỗ lực không ngừng nghỉ để tránh bị bỏ lại phía sau, vì vậy, Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa. Bởi ngay cả châu Phi, lục địa thường xuyên đối diện với tình trạng bất ổn chính trị, đói nghèo, dịch bệnh… nay cũng đã khác. Trong năm 2022, vốn đầu tư mạo hiểm vào châu Phi đã đạt gần 5,2 tỷ USD, hơn 7 năm trước cộng lại. 5 trong 7 kỳ lân công nghệ của châu Phi cũng ra đời trong năm 2022.
Ở Việt Nam, tháng 5/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định 569 về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quyết định nhấn mạnh trong khi các quốc gia phát triển dành tới 3% GDP để đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thì Việt Nam, quốc gia đang phát triển, tỉ lệ này mới chỉ là 1%. Vì vậy chúng ta cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội để khai thác trí tuệ Việt, ứng dụng công nghệ để phát triển đất nước. Chính sách này được xem là cách nhìn nhận đúng đắn và thức thời của Chính phủ thể hiện rõ vai trò tiên phong của “bà đỡ” trong việc hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.