Ươm mầm cho 50 dự án khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số
(DNTO) - Sau 5 năm triển khai hoạt động, dự án “Vườn ươm doanh nghiệp” đã “ươm mầm” cho những sáng kiến khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số và lan toả tinh thần khởi nghiệp tại địa phương.
Từ 17- 18/3, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lào Cai phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Aide et Action (Pháp) tổ chức hội chợ trưng bày sản phẩm khởi nghiệp và hội nghị tổng kết, chia sẻ kết quả vận hành Dự án “Vườn ươm doanh nghiệp” hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp.
Dự án “Vườn ươm doanh nghiệp” được triển khai từ năm 2019 tại thành phố Lào Cai với sự tài trợ của Ngân hàng HSBC và tổ chức Aide et Action (AEA). Mục tiêu của dự án là “ươm mầm” cho những sáng kiến khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện ý tưởng kinh doanh và lan toả tinh thần khởi nghiệp tại địa phương.
Sau 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ được 78 mô hình kinh doanh tại các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai. Trong đó hơn 50 dự án thanh niên dân tộc thiểu số được nâng cao năng lực về quản lý doanh nghiệp, tài chính, tiếp thị bán hàng, tham gia hội chợ thương mại, mở rộng mạng lưới đối tác kinh doanh. 20 mô hình khởi nghiệp tiềm năng nhất của vườn ươm được hỗ trợ chuyên sâu, đồng hành 1 -1 cùng các chuyên gia khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu và kết nối đầu ra cho sản phẩm và dịch vụ.
Tại buổi hội chợ trưng bày sản phẩm, các mô hình khởi nghiệp được hỗ trợ trưng bày sản phẩm, tiếp thị trực tiếp tới khách hàng. Các mô hình khởi nghiệp tập trung chủ yếu vào sản phẩm nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm thêu dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa dân tộc vùng núi Tây Bắc.
Đánh giá về các sản phẩm trong Dự án “Vườn ươm doanh nghiệp”, bà Lê Thị Trường Chinh, Quản lý du lịch nông nghiệp VietHarvest, Thành viên Tập đoàn Phát triển Doanh nghiệp Cộng đồng (VietED group) cho biết đây đều là sản phẩm tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cần phải cải thiện khi đưa ra thị trường. Ví dụ sản phẩm Trà Tả Củ Tỳ, cần có thêm câu chuyện văn hoá địa phương và điểm khác biệt sản phẩm. Với sản phẩm tinh dầu từ cây Đại Bi, là sản phẩm thảo dược cần nhấn mạnh đến các yếu tố khác biệt sản phẩm và đầu tư thêm thiết kế bao bì.
Đại diện địa phương, ông Nguyễn Hải Đăng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lào Cai đánh giá cao quá thay đổi trong nhận thức khai thác kinh tế của thanh niên tại địa phương sau khi bước ra từ “Vườn ươm doanh nghiệp”, đồng thời các sản phẩm địa phương, các mô hình tiềm năng có thêm cơ hội kết nối thị trường.