Chưa nhiều startup Việt nhập cuộc với AI
(DNTO) - Cuộc đua AI (trí tuệ nhân tạo) đang chứng kiến sự tham gia rầm rộ của các công ty công nghệ lớn. Tại Việt Nam, một nguồn vốn khổng lồ cũng đang đổ vào lĩnh vực này, nhưng vẫn có rất ít startup Việt tham gia.
Ai đang ở trong cuộc đua AI?
Cơ hội giúp tái định vị doanh nghiệp và tăng trưởng đột phá từ 10-100 lần khi áp dụng AI là “kèo thơm” mà giới công nghệ thế giới đều đang nhìn thấy. Chẳng vậy mà hàng loạt các “ông lớn” công nghệ từ Mỹ như Google, Facebook, Microsoft, Apple, Amazon, IBM cho đến Trung Quốc như Tencent, Huawei, Alibaba, Baidu… đều đang đổ hàng chục tỷ USD vào lĩnh vực này, với tham vọng tạo ra thế tiên phong trước các đối thủ.
Một dự báo của Analytics Insight cho thấy, chỉ tới năm 2023, thị trường AI toàn cầu sẽ đạt con số trên 150 tỷ USD.
Tại Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu cũng đã gia nhập cuộc chơi. Nếu FPT tuyên bố chi 300 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển AI trong 5 năm tới; thì Viettel cũng vừa bắt tay với NVIDIA - tập đoàn công nghệ AI lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Vingroup cũng không ngoại lệ khi thành lập Viện Nghiên cứu AI (VinAI Research) và mới đây là Công ty cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng AI (VinAI)… Những kẻ khác như VNPT, MoMo, MK Group, Bkav, VNG… cũng đang tốc lực rót vốn vào trí tuệ nhân tạo.
Thế nhưng, có thể thấy, cuộc đua vẫn đang được dẫn dắt bởi các ông lớn công nghệ. Mặc dù sân chơi trí tuệ nhân tạo rất rộng lớn nhưng số lượng startup Việt tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi, việc xây dựng một công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng AI vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều công ty khởi nghiệp mới, đặc biệt là ở Việt Nam.
“Trong quá trình làm việc cũng như tiếp xúc với nhiều startup, chúng tôi nhận thấy có một số sai lầm phổ biến ở các công ty. Ví dụ có data nên startup nghĩ rằng chắc chắn sẽ xây dựng được một AI ngon lành, nhưng AI đó giải quyết vấn đề gì thì chưa biết. Thứ hai, khi có một bài toán rất khó trên thế giới, startup sẽ tập hợp một team giỏi để giải quyết nó, nhưng đến khi giải quyết xong bài toán đó thì lại không ai cần đến phương pháp mà team đã tìm ra…”, ông Nguyễn Tăng Trí Đức – Giảng viên tại Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo New Turing Institute; Tư vấn chương trình A-star Bootcamp cho hay.
Tốc lực nhân bản các startup AI
Trí tuệ nhân tạo được coi là công nghệ đột phá trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Do đó, một chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030 đã được Chính phủ Việt Nam ban hành, với tham vọng bước chân vào Top 4 khu vực ASEAN và Top 50 của thế giới về đổi mới sáng tạo. Trong chiến lược này sẽ xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực, phát triển trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia.
Thế nhưng, để xây dựng thành công các startup AI đủ tầm khu vực, rất cần đến sự tham gia của các vườn ươm, nơi được xem là “liều thuốc” tăng trưởng cho startup. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện có 119 tổ chức/cơ sở ươm tạo đã hỗ trợ các nhà sáng lập xây dựng và phát triển công ty, nhưng rất ít tập trung vào AI như một lợi thế cạnh tranh bền vững và bàn đạp tăng trưởng thần tốc.
Hồi tháng 11 năm ngoái, cuộc thử nghiệm ươm tạo đầu tiên được A-Star Bootcamp (Chương trình đào tạo chuyển đổi AI dành riêng cho startup Việt) đã tạo nên dấu ấn trong cộng đồng khởi nghiệp khi chắp cánh cho 5 startup ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, gồm MindX (lĩnh vực giáo dục), Hoozing (lĩnh vực bất động sản), Digipay (lĩnh vực tài chính), Vuihoc (lĩnh vực giáo dục) và Jingo (nền tảng chia sẻ kiến thức).
Trong mùa đầu tiên chính thức của năm nay, A-star Bootcamp đang tốc lực tìm kiếm 5-7 hạt giống sáng giá nhất để tiếp tục ươm tạo.
Bà Văn Đinh Hồng Vũ, Đồng sáng lập New Turing Institute, Tư vấn chương trình tại A-star Bootcamp cho biết, AI là một xu hướng của thế giới, đồng thời cũng là cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Tại Mỹ hay Singapore, AI đã trở thành một tiêu chí hiển nhiên và cạnh tranh giữa các công ty. Còn tại Việt Nam, làn sóng này mới đang bắt đầu.
“Liệu 3-5 năm nữa, nhanh hay chậm thì chúng ta cũng khó mà tiên đoán được, khi làn sóng AI đến thì các công ty có thích nghi và theo phong trào được hay không? Đó là lý do chúng tôi thành lập A-Star Bootcamp để giúp các startup không phải ngỡ ngàng. Các công ty hãy nghĩ về nó nhiều hơn và bắt đầu từ từ đánh giá, vì các công ty sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu về AI. Đồng thời, khi mà công ty có xu hướng mở rộng ra toàn cầu, AI sẽ trở thành bất lợi thế nếu không có. Tùy vào cách nhìn và giai đoạn của công ty, thì vai trò của AI sẽ có sự thay đổi”, bà Hồng Vũ chia sẻ.
Có thể nói, sự vào cuộc mạnh mẽ của mạng lưới chuyên gia AI hàng đầu thế giới sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển và ươm mầm thêm nhiều startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển. Bởi startup Việt Nam tuy đông (3.800 startup), nhưng số lượng startup kỳ lân lại rất nhỏ (4 startup). Bên cạnh đó, tỉ lệ sống sót của các startup giai đoạn sớm cho đến các vòng gọi vốn rất thấp. Vì vậy, việc quy tụ thêm nhiều nguồn lực, trong đó là các vườn ươm và đội ngũ chuyên gia, cố vấn trong giai đoạn này là rất quan trọng.