Kỳ lân ‘rã cánh’ sau IPO
(DNTO) - Mong muốn đưa công ty bứt tốc chưa thể hiện thực hóa khi giá trị của nhiều startup tỷ đô bị “thổi bay” chỉ vài tháng sau chào sàn. Con đường IPO của startup vẫn còn khó khăn khi kinh tế toàn cầu chưa nhiều khởi sắc.
Vẫn chỉ như “giấc mơ trưa”
Sau khi đạt đến mức kỳ lân (startup tỷ đô), nhiều công ty nhanh chóng khăn gói chuẩn bị cho con đường IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), một con đường rộng rãi để startup có bước ngoặt mới trong phát triển.
Thế nhưng, viễn cảnh mộng mơ khi chào sàn đã nhanh chóng bị dập tắt khi thực tế phũ phàng đang “phả hơi nóng” vào nhiều startup. Giá trị của nhiều công ty tỷ đô nhanh chóng sụt giảm ngay sau khi chào bán cổ phiếu.
Đình đám nhất phải kể đến sự kiện IPO của Grab trên sàn Nasdag của Mỹ vào cuối năm trước, đánh dấu hành trình một ứng dụng gọi xe địa phương trở thành siêu ứng dụng trong khu vực Đông Nam Á và nay là công ty đại chúng.
Thời điểm đó, giới chuyên gia kỳ vọng Grab sẽ như “ngọn hải đăng” soi đường cho startup Đông Nam Á đang mong muốn có hành động tương tự. Thế nhưng, chưa đầy một năm, ánh sáng của “ngọn hải đăng” này đang mờ dần khi Grab hiện mất 60% giá trị kể từ khi niêm yết, chỉ còn khoảng 13 tỷ USD, bằng một nửa so với đối thủ của nó là GoTo (công ty mẹ của ứng dụng gọi xe Gojek).
Còn GoTo, dù đang vượt mặt Grab nhưng viễn cảnh cũng không mấy khả quan khi giá cổ phiếu của startup đã mất khoảng 3% kể từ khi lên sàn Jakarta (Indonesia) hồi tháng 4.
Hay Sea (công ty mẹ của Shopee) cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần 80% so với đỉnh hồi tháng 10 năm ngoái, tương ứng 17 tỷ USD bị thổi bay. Kỳ lân giá trị nhất Đông Nam Á cũng không tránh khỏi cú sốc khi các nhà đầu tư giảm sở hữu cổ phiếu của Sea, trong bối cảnh nền tảng thương mại điện tử Shopee liên tục thua lỗ.
Lần ra mắt thị trường thất bại của startup không thể không kể đến nền tảng chia sẻ xe hơi lớn nhất Hàn Quốc Socar. Lên sàn chứng khoán Seoul hôm 22/8, dù đã định giá cổ phiếu thấp hơn mức cuối cùng của thị trường, nhưng vẫn nhanh chóng giảm từ 28.000 won (21,10 USD) xuống còn 26.300 won, chốt mức vốn hóa thị trường của Socar là 642 triệu USD.
Ngay sau đó, Socar cũng cắt giảm mục tiêu chào bán IPO xuống còn 102 tỷ won (78,1 triệu USD), giảm 8,6 lần so với mức định giá trước khi giao dịch (ở mức 966.5 tỷ won, tương đương 731 triệu USD).
Còn tiếp diễn khó khăn
Hoạt động IPO toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. 8 tháng đầu năm nay, các hoạt động IPO truyền thống chỉ kêu gọi được 5,1 tỷ USD (theo Dealogic), thấp hơn 19 lần so với con số 100 tỷ USD thời điểm này năm ngoái và thấp hơn 6 lần so với mức trung bình 33 tỷ USD cùng thời điểm các năm trước.
Màn sương mù lạnh lẽo của thị trường IPO toàn cầu liên tiếp giáng đòn vào các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là các cổ phiếu của các startup kỳ lân mới chào sàn. Nếu như trong đại dịch, các cổ phiếu công nghệ đã tăng trưởng nóng thì hiện nay, thái độ của các nhà đầu tư thay đổi sau quá nhiều biến cố bất ngờ như lạm phát cao, những động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hay căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bị giáng đòn mạnh, và các cổ phiếu công nghệ vì thế cũng trở nên kém hấp dẫn hơn so với khoản đầu tư khác.
Hình ảnh nhãn tiền của các kỳ lân sau khi IPO đã làm chùn chân những kẻ cũng đang có ý định này. Từng lên kế hoạch chào bán cổ phiếu trong năm nay, nhưng startup công nghệ tài chính Klarna Bank AB hiện đang nỗ lực thắt lưng buộc bụng, sa thải hàng trăm nhân sự và huy động vốn từ các thị trường tư nhân. Hay nền tảng kinh doanh trực tuyến StockX cũng phải gác lại giấc mơ IPO khi đối diện với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, những startup, doanh nghiệp có kế hoạch IPO trong năm nay có thể sẽ phải giảm một nửa định giá so với 2 năm trước. Bởi trong đại dịch, các nhà đầu tư đã đổ quá nhiều tiền vào thị trường chứng khoán, khiến giá trị các cổ phiếu bị thổi phồng quá cao. Và do vậy, cũng giống như nhiều kênh đầu tư khác (bất động sản, vàng, tiền ảo…) sau thời gian phát triển nóng, thị trường sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh, đưa giá trị của các tài sản về con số thực.
Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân khiến startup thất bại sau IPO. Vì nhà đầu tư có thể rút vốn khỏi doanh nghiệp bất cứ lúc nào khi chiến lược đầu tư của họ thay đổi. Hay việc yếu kém trong quản trị khiến doanh nghiệp không thể phát triển, những thay đổi chính sách khi doanh nghiệp mở rộng kinh doanh. Hoặc do nguyên nhân khách quan từ thị trường, chính trị phát sinh những yếu tố bất lợi…
Vì vậy, với các startup, con đường chuẩn bị IPO thường rất dài và tốn kém, nhưng không thể không thực hiện để hạn chế tối đa những rủi ro sau khi chào bán.