Lực hấp dẫn của SPAC tiếp tục thổi bùng tham vọng IPO của startup Việt
(DNTO) - Các chuyên gia dự báo, năm 2022 sẽ là một năm thăng hoa của các thương vụ IPO toàn cầu thông qua cơ chế SPAC. Và tại Việt Nam, nhiều startup cũng đang nỗ lực để bước chân vào con đường này.
Năm thăng hoa của SPAC
Đầu tháng 2 năm 2022, một startup công nghệ Việt là Hybrid Technologies chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo, Nhật Bản (TYO), mã chứng khoán 4260. Trong lần IPO này, market cap khởi điểm của startup là 8.165 triệu Yên (khoảng 1.641 tỷ đồng).
IPO được xem là ước mơ của mọi startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đánh dấu bước ngoặt mới trong phát triển doanh nghiệp. Nếu như trước đây, những startup ở Việt Nam phải mất tới hơn chục năm để IPO (FPT mất 18 năm, Yeah1 mất 12 năm), thì giờ đây, những startup như Hybrid Technologies chỉ mất 5 năm để tiến tới con đường này.
Theo chuyên gia, con đường IPO của startup ngày càng được rút ngắn nhờ 2 tác động. Một mặt là các startup hiện nay ngày càng hoàn thiện năng lực nhanh hơn nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía như công nghệ, nhà đầu tư, cố vấn… Mặt khác là cơ chế hỗ trợ IPO cho startup ngày càng thông thoáng hơn.
Trong đó nổi bật là cơ chế SPAC (Công ty mua lại mục đích đặc biệt, hay còn gọi là các công ty rỗng, không có hoạt động thương mại, được tạo ra bởi các nhà đầu tư), với mục đích hợp nhất hoặc mua lại startup và đưa startup lên sàn, đã giúp con đường IPO của startup nhanh hơn.
Năm 2021, đã có đến 2.850 công ty toàn cầu thông qua cơ chế SPAC huy động được hơn 600 tỷ USD trong các đợt IPO, theo Bloomberg. Hiện nhiều công ty SPAC đang tích cực tìm kiếm các thương vụ tiềm năng để thúc đẩy hoạt động IPO trong năm nay. Theo một thống kê, hiện đã có khoảng 575 công ty SPAC cùng vốn 155 tỷ USD đang muốn niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ.
Startup Việt rục rịch IPO trong năm 2022
Sự thông thoáng từ cơ chế SPAC đã rút ngắn con đường IPO của nhiều startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
So với kế hoạch IPO ban đầu là năm 2025, Tiki đã đẩy kế hoạch lên sớm hơn, trong năm 2022 dự kiến sẽ niêm yết tại Mỹ, sau khi hoàn thành vòng gọi vốn Series E lên tới 258 triệu USD.
CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn từng nhiều lần bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Điều này cũng dễ hiểu bởi Tiki đang ở trong một cuộc đua “đốt tiền” và liên tục ghi nhận mức thua lỗ qua các năm. Do vậy, để tiếp tục tồn tại và phát triển, Tiki buộc phải liên tục có các phương án huy động vốn, bên cạnh việc gọi vốn qua các nhà đầu tư thông thường.
Hồi tháng 6/2021, Tiki đã huy động được 1.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Vào tháng 7/2021, Tiki thành lập pháp nhân mới là Tiki Global tại Singapore và chuyển 90,5% cổ phần cho Tiki Global.
Một startup khác là NextPay cũng có kế hoạch niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2022. NextPay được hợp nhất từ ví điện tử VIMO và startup điểm bán hàng mPOS, đều là hai startup được thành lập vào năm 2014 bởi vườn ươm NextTech của ông Nguyễn Hòa Bình.
IPO cũng là tham vọng chung của nhiều doanh nghiệp khác như hãng ô tô VinFast của Vingroup và hãng hàng không Bamboo Airways của FLC. Cả hai tập đoàn đang có ý định IPO trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua cơ chế SPAC.
Trợ lực cho startup IPO
Để hỗ trợ cho startup IPO, ngay từ năm 2020, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB) nhận nhiệm vụ từ Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc “thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng nhanh hướng tới hoạt động mua bán, sáp nhập, trở thành công ty đại chúng”.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB cho biết, hiện các khóa đào tạo IPO của đơn vị này đã tổ chức được 7 lớp, với 500 học viên tham gia. Trong ba năm tới, SIHUB dự kiến đào tạo thêm khoảng 2.000 – 3.000 doanh nghiệp và kỳ vọng có khoảng 200 – 300 doanh nghiệp có thể IPO.
“Vấn đề luật pháp và hàng hóa chưa chuẩn mực vẫn là điểm yếu của startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi muốn IPO. Vì vậy trọng tâm trong thời gian tới, SIHUB sẽ nỗ lực để thu hút thêm sự tham gia của các bên như ngân hàng, tài chính, luật pháp… hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp và startup tiến tới IPO”, ông Tước cho hay.
Đối với vấn đề chính sách, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang tạo cơ chế IPO thông thoáng để thu hút startup tiềm năng, thì Việt Nam cũng không thể chậm chân trong con đường này.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, việc thay đổi hay cho ra đời một chính sách mới thường mất rất nhiều thời gian, có thể lên tới vài năm. Vì vậy, đơn vị này cũng đang đề xuất Chính phủ thí điểm cơ chế sandbox (thử nghiệm chính sách) để giúp những sáng kiến, giải pháp mới của startup, doanh nghiệp hay ngay cả của các cơ quan quản lý sớm đưa vào cuộc sống.