Con đường IPO cho startup đang được ‘xây’ như thế nào?
(DNTO) - Để tạo cơ chế ‘bơm máu’ cho startup, doanh nghiệp nhỏ mở rộng hoạt động, mô hình đào tạo doanh nghiệp tiến tới IPO đã và đang hình thành, bước đầu cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, con đường này cần xây nhanh hơn để bắt kịp với đà phát triển của thế giới.
* Trong 6 tháng đầu năm 2021, trong số hơn 5 tỷ USD huy động trên sàn chứng khoán khu vực Đông Nam Á, không có một thương vụ nào ở Việt Nam.
* Hàng loạt startup, doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam như Sky Mavis, Tiki, VNG, Vinfast… đều đang tìm đường sang nước khác như Singapore, Mỹ để hiện thực hóa giấc mơ IPO.
* Điều này đánh lên hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam về việc chảy máu startup nếu chậm chân mở đường IPO.
'Dạy' startup IPO
Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được xem là ước mơ của mọi startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi khu vực và thế giới, mỗi năm có hàng trăm startup và doanh nghiệp có thể IPO, thì tại Việt Nam, hoạt động vẫn khá ảm đạm.
Năm 2020, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB) là đơn vị đầu tiên được Bộ Khoa học Công nghệ giao nhiệm vụ “thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng nhanh hướng tới hoạt động mua bán, sáp nhập, trở thành công ty đại chúng”.
Chia sẻ về việc này, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB cho biết, câu chuyện IPO là câu chuyện rất dài, cần nhiều bên tham gia, nhưng nếu cứ chỉ bàn mãi thì không thể giải quyết, vì vậy, SIHUB quyết định đi bước đầu tiên.
Để con đường xây dựng một cách hiệu quả, các chuyên gia tại SIHUB cho biết đã nghiên cứu rất nhiều chương trình đào tạo về IPO của của thế giới cho doanh nghiệp. Khi đó, họ phát hiện giữa khu vực châu Á và phần còn lại của thế giới rất khác nhau về quan điểm, hệ thống ngân hàng và phương thức tín dụng. Vì vậy, SIHUB quyết định xây dựng chương trình đào tạo gồm 14 hợp phần, thay vì 7 hợp phần như các chương trình đang có của thế giới. Từ đó đến nay, các khóa đào tạo IPO của SIHUB đã tổ chức được 7 lớp, với 500 học viên tham gia.
“Rõ ràng, trong chừng mực nào đó, chúng ta đã chạm vào nhu cầu doanh nghiệp SME và startup, trong khi các doanh nghiệp dường như “ngộ độc” với khóa đào tạo, thì SIHUB phải tạo ra game mới và đủ sức hấp dẫn. Mỗi tháng là một khóa đào tạo và học liên tục trong mùa dịch. Điều này cho thấy, nếu chúng ta có cách tiếp cận đúng và chạm được vào nhu cầu của doanh nghiệp thì chúng ta thành công.
Điều thú vị là rất nhiều doanh nghiệp tham gia khóa học đã cảm thấy có động lực, niềm tin vào việc công ty mình có thể IPO, hoặc có thể họ chưa IPO nhưng đã bắt đầu quản trị và tổ chức công ty một cách chuẩn mực. Không chỉ 10 năm sau mới gọi được vốn cộng đồng mà nếu theo con đường này, chỉ một hai năm sau khi trải qua giai đoạn nhận thức, tư vấn là có thể gọi được vốn”, ông Tước chia sẻ.“
Chuẩn” ngay từ viên gạch đầu tiên
Với một lãnh đạo nhiều năm lăn lộn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đương nhiên cũng rất trăn trở trong việc mở đường IPO cho startup.
“Chúng tôi đã cân nhắc rất kĩ, nếu làm thì con đường của ta như thế nào, thị trường, sức khỏe, khả năng công nghệ Việt Nam chọn nền tảng nào hợp lý, đó cũng là thách thức cho những người mở đường và đi trên con đường đó. Con đường này không ai biết trước như thế nào nhưng vẫn mạnh dạn đi, vừa đi vừa tìm kiếm”, ông Quất nói.
Thế nhưng, thị trường Việt Nam khá “kì cục” khi những mô hình như tiền ảo, tiền mã hóa vốn là một phát minh tiến bộ gắn liền với cách mạng 4.0, nhưng khi về đến Việt Nam thì biến tướng. Điều này đã tạo nên tâm lý lo ngại, dè chứng của thị trường khi đón nhận mô hình rất mới.
“Hiện nay người dân cứ nói đến tiền ảo là nghĩ đến lừa đảo. Vì vậy, con đường IPO cho startup cần phải chuẩn hóa, phải có đội ngũ đi đầu làm đúng, làm chuẩn để tạo niềm tin cho cộng đồng. Từ đó, Chính Phủ mạnh dạn áp dụng những mô hình mới. Hệ sinh thái Sàn giao dịch vốn phải được kiểm soát, chọn được đúng người đầu tư, tạo ra hiệu quả rõ rệt, để startup không phải sang Singapore hay sang Mỹ để IPO”, ông Quất nói.
Thận trọng trong việc xây dựng mô hình mới để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là rất đúng đắn. Thế nhưng, thận trọng không có nghĩa là chậm trễ. Bởi hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang “khơi thông” cơ chế IPO để “hút” các startup tiềm năng từ mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ thí điểm cơ chế sandbox (thử nghiệm) chính sách ở quy mô nhỏ, nhằm kết nối cộng đồng trong và ngoài nước và tạo cơ hội cho những sáng kiến, giải pháp của các startup, doanh nghiệp sớm đưa vào cuộc sống”, ông Quất thông tin.
Còn về phía SIHUB, ông Tước cho biết, điểm yếu của startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại vẫn là luật pháp, hàng hóa chưa chuẩn mực để IPO. Vì vậy trọng tâm trong thời gian tới, đơn vị này mong muốn các khóa đào tạo có sự tham gia của bên ngân hàng, tài chính, luật pháp…để hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp và startup có bước đi vững chãi trên con đường tiến tới IPO.
“Trong ba năm tới, chương trình dự kiến đào tạo thêm khoảng 2.000 – 3.000 doanh nghiệp và hi vọng có khoảng 200 – 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để IPO”, ông Tước cho hay.