Luật sư hãng luật Mỹ: ‘Nếu tắc các khâu huy động vốn ban đầu, startup không thể IPO’
(DNTO) - Ông Hoàng Minh Đức, Luật sư cao cấp Công ty Luật Duane Morris cho biết, IPO có thể được xem là chặng cuối của startup nhưng nếu không có cơ chế khơi thông nguồn vốn từ các vòng đầu thì sẽ không thể tiến tới IPO.
Startup IPO là xu hướng không thể chối cãi
Ông Hoàng Minh Đức, Luật sư cấp cao tại Duane Morris LLP, Công ty Luật đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ, người có chuyên môn pháp lý sâu về khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm, M&A (mua bán và sáp nhập)...cho biết, trước đây, khách hàng của vị luật sư này chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực mua bán sáp nhập. Do vậy, ông Đức chưa từng nghĩ đến việc một ngày nào đó phục vụ doanh nghiệp Việt, bởi trước đó, dù đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước nhưng mối quan hệ cũng không kéo dài lâu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng startup tìm đến Duane Morris Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy startup sẵn sàng sử dụng luật sư chuyên nghiệp cho các giao dịch. Theo ông Đức, việc này không chỉ đến từ yêu cầu của các quỹ đầu tư, mà nó thể hiện sự thay đổi mới về văn hóa của các startup. Họ đã hiểu rằng họ đang đi trên con đường lớn nên phải dùng các phương tiện chuyên nghiệp để tham gia hội nhập đầy đủ.
Bình luận về cơ chế giúp startup Việt Nam sớm IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng), ông Đức cho biết, IPO là xu hướng của các startup trên toàn thế giới.Đặc biệt hiện nay, nhiều startup trong lĩnh vực mới như blockchain, game NFT (tài sản kỹ thuật số trên blockchain) hay crypto (tiền ảo)… đều tìm cách đi đến thiên đường thuế để phục vụ việc huy động vốn. Hay thực tế, nhiều startup và doanh nghiệp Việt Nam như Tiki, VNG, Sky Mavis, Vinfast hay Bamboo… đều có kế hoạch IPO tại Mỹ hay Singapore. Điều này cho thấy sân chơi đã đi ra toàn cầu.
Vị luật sư này cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải sang Singapore thực tế cũng là do nhà đầu tư yêu cầu, đơn giản là Singapore có môi trường mà Việt Nam không có được. Bởi lẽ, bản thân việc thu hút vốn trong nước vẫn còn những điểm nghẽn.
Với startup, con đường vốn của họ chủ yếu là vốn góp của nhà đầu tư, với doanh nghiệp blockchain vốn có thể đến từ các token (tiền mã hóa), rất hãn hữu các startup dùng vốn vay. Vốn vay chỉ được sử dụng trong giai đoạn trước khi bước gọi vốn tiếp theo với mục đích “bắc cầu”, vì vốn vay phụ thuộc nhiều vào tài sản thế chấp, mà tài sản của startup chỉ có con người, do vậy đa phần startup không trông chờ vào vốn vay.
Khơi thông xong cơ chế cũ mới nghĩ đến mở đường IPO
Theo ông Đức, các nước trên thế giới đang khẩn trương xây dựng cơ chế hỗ trợ các startup IPO, và tại Việt Nam, các nhà hoạch định đã giao nhiệm vụ cho một số đơn vị nghiên cứu con đường này để hỗ trợ startup. Tuy nhiên, nếu con đường xuất phát ban đầu của startup chưa được khơi thông, còn nhiều điểm nghẽn thì chặng đường cuối là IPO dù có được xây dựng, startup có đặt chân đến.
Phân tích cụ thể, luật sư tại Duane Morris Việt Nam cho biết, dòng đời vốn của startup bắt đầu từ việc bỏ tiền túi, huy động người thân cho đến tìm nhà đầu tư thiên thần, sau đó đến các quỹ đầu tư và IPO. IPO được xem là chặng cuối của con đường đó và là ước mơ của mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu tắc ở các khâu trước đó thì không thể IPO.
Ví dụ các doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động, chưa có sản phẩm, họ cần gọi vốn cộng đồng. Tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về gọi vốn cộng đồng. Khi đã có sản phẩm và thâm nhập vào thị trường, startup bắt đầu gọi vốn trong nước. Rất nhiều các quỹ trong nước hoạt động tích cực nhưng khung pháp lý là Nghị định 38/2018/NĐ-CP đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đến giờ vẫn bộc lộ nhiều vấn đề, mặc dù nó là bước đột phá cho hoạt động hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp nhưng cho đến hiện nay cũng chỉ có 10 doanh nghiệp hoạt động theo Nghị định này.
Nếu nhìn dòng chảy vốn của doanh nghiệp sẽ thấy ngay vấn đề. Các quỹ tại Việt Nam thường sẽ rót vốn cho startup ở các giai đoạn đầu (trước series A), còn sau series A thì hầu hết các startup đều phải gọi vốn ngoài Việt Nam. Lúc đó, các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp sang Singapore và gọi vốn ở đó. Thế nhưng luật pháp tại Việt Nam chưa có cơ chế để các nhà đầu tư ở Việt Nam có thể cùng chuyển khoản đầu tư của họ sang Singapore, bởi luật đầu tư Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ việc đầu tư ra nước ngoài.
“Khi hệ thống tiền crypto không được công nhận là hệ thống tiền tệ quốc gia thì các hoạt động NFT dù đang rất sôi động, ví dụ Coin98 rất nhiều nhà đầu tư tham gia, thì Việt Nam thiếu một khung khổ pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư. Tuy vậy, do là xu thế nên chúng ta không thể ngăn chặn họ tiến hành hoạt động đầu tư. Về lâu dài, để đến IPO mà không xử lý được vấn đề tiếp cận ban đầu như vậy thì thật sự rất khó”, ông Đức nhấn mạnh.