Tương lai IPO khó khăn của kỳ lân VNG
(DNTO) - Chuỗi 4 quý lỗ liên tiếp cùng viễn cảnh khá ảm đạm của thị trường IPO toàn cầu có thể khiến VNG khó khăn trên con đường tiến tới niêm yết.
Nhiều bất lợi bủa vây
Công ty Cổ phần VNG, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, vừa ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ, với mức lỗ sau thuế hơn 254 tỷ đồng. Nếu tính cả 9 tháng đầu năm, khoản lỗ lũy kế của VNG là 764 tỷ đồng .
Trước đó, VNG đặt mục tiêu doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng trong năm nay. Sau 9 tháng, kỳ lân này mới chỉ đạt 56,6% kế hoạch doanh thu nhưng đã gần tiệm cận mục tiêu lỗ sau thuế.
Nếu như VNLife, kỳ lân thứ 2 của Việt Nam chưa nói tới kế hoạch IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), MoMo cũng vừa gác lại giấc mơ niêm yết, thì VNG dường như vẫn chưa thôi nung nấu tham vọng này.
Hồi đầu tháng 6, VNG cho chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% vốn điều lệ, cho biết VNG Limited - một pháp nhân thành lập tại Cayman Islands vào tháng 4 năm nay. Động thái này được cho là bước tạo đà để startup tỷ đô tiến gần đến IPO.
Tờ DealStreetAsia cũng tiết lộ VNG đang lên kế hoạch thực hiện niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm nay với 12,5% cổ phần có thể được chào bán ra công chúng.
Tham vọng IPO của kỳ lân công nghệ đầu tiên tại Việt Nam đi theo “giấc mơ” của các startup tỷ đô trong khu vực như Grab, GoTo, Sea… Tuy vậy, “giấc mơ” này có thể bị đánh thức vì hoạt động kinh doanh của VNG khó khăn ngay trước thềm kỳ lân này đặt tham vọng tiến tới IPO.
Bên cạnh đó, thị trường IPO toàn cầu đang trải qua chuỗi ngày ảm đạm. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ có khoảng hơn 1.617 thương vụ niêm yết với tổng giá trị khoảng 80,5 tỷ USD. Trong khi đó, năm ngoái, số thương vụ IPO lên tới 4.000 với hơn 700 tỷ USD.
Đặc biệt, tại Mỹ, nơi thị trường IPO sôi động nhất thế giới, cũng là nơi kỳ lân VNG nhắm tới để thực hiện tham vọng chào bán cổ phiếu, cũng đang trải qua cơn “hạn hán” dài nhất thế kỷ. Tính đến tháng 9, tổng giá trị IPO của Mỹ giảm 94% so với cùng kỳ năm. Tính từ đầu năm đến giờ chỉ có hơn 7 tỷ USD được huy động so với con số 110 tỷ USD cùng kỳ năm trước, theo Daelogic.
Tâm lý lo ngại, thậm chí sợ hãi của nhiều người về việc nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái khiến dòng tiền đổ vào những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm như cổ phiếu sụt giảm trầm trọng. “Mây đen” phủ trên thị trường IPO toàn cầu cũng ảnh hưởng tới những thương vụ mới đang có tham vọng bước lên các sàn chứng khoán.
Đừng để “bom tấn” thành “bom xịt”
Còn nhớ tháng 12 năm ngoái, màn IPO tại Mỹ của kỳ lân công nghệ Grab được kỳ vọng sẽ trở thành “bom tấn” trong làng khởi nghiệp toàn cầu. Grab chào sàn với mức định giá 40 tỷ USD, nhưng ngay lập tức đã trở thành “bom xịt” khi giá trị liên tục sụt giảm. Đến nay, giá trị vốn hóa của Grab chỉ còn khoảng 10 tỷ USD, tương đương 75% giá trị bị thổi bay chỉ sau 9 tháng lên sàn.
Viễn cảnh tương tự cũng xảy ra với GoTo tại thị trường Indonesia hay Socar tại Hàn Quốc khi giá trị công ty sụt giảm ngay sau khi IPO. Các startup nổi tiếng nhất châu Á cũng ghi nhận mức sụt giảm giá trị vốn hóa lên tới khoảng 40% trong nửa đầu năm nay. Điều này cho thấy giấc mơ IPO ở thời điểm hiện tại không còn là màu hồng.
Đặc biệt, thị trường khởi nghiệp đang có sự thay đổi việc định giá các kỳ lân. Nhiều chuyên gia cũng cho biết, những doanh nghiệp có kế hoạch chào bán cổ phiếu trong năm nay sẽ có thể phải giảm một nửa định giá. Nguyên nhân do trong hai năm qua, định giá công ty khởi nghiệp đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường, thậm chí bị “thổi phồng”, dẫn đến các startup không đạt được kỳ vọng. Đây cũng sẽ là một trở ngại cho VNG khi niêm yết.
Hoạt động IPO của các công ty khởi nghiệp được xem là bước ngoặt để công ty huy động nguồn lực lớn hơn vào các hoạt động phát triển. Về phía các nhà đầu tư, đây cũng là cơ hội hưởng lợi từ việc doanh nghiệp có thể tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp IPO lớn thường là những doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí tạo lực kéo cho cả thị trường. Còn với VNG hiện tại, với việc chìm trong thua lỗ vì các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết như Tiki, Zion (đơn vị vận hành ZaloPay)… có thể sẽ khiến VNG khó có được định giá như mong muốn.