Startup Việt thiết lập kỷ lục gọi vốn vòng Series B với 203 thương vụ
(DNTO) - Mặc dù dòng vốn đầu tư vào công nghệ tại Việt Nam sụt giảm gần 18% nhưng 9 tháng qua, số tiền đầu tư vào vòng Series B (từ 10-50 triệu USD) đạt mức kỷ lục.
Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 vừa công bố ghi nhận sự sụt giảm đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam trong 9 tháng qua, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu đang rình rập.
Cụ thể, số vốn đầu tư mạo hiểm chỉ đạt 494 triệu USD trong 9 tháng, giảm 17,9% so với con số 1,442 triệu USD của cùng kì năm 2021. Có 94 thương vụ diễn ra trong 9 tháng qua, giảm 13% so với 165 thương vụ của cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, năm nay cũng chứng kiến kỷ lục về số giao dịch trong vòng Series B (quy mô gọi vốn 10-50 triệu USD). Cụ thể, số thương vụ vòng này lên tới 203, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy các công ty đã huy động vốn vòng Pre-A, Series A vào năm ngoái đã tăng trưởng sang giai đoạn tiếp theo.
Số thương vụ lớn, có giá trị hơn 50 triệu USD giảm 55%, do thị trường toàn cầu suy thoái khiến các nhà đầu tư giảm rót vốn vào startup do lo ngại định giá cao. Số lượng thương vụ có giá trị 3-10 triệu USD bằng với cùng kì. Số lượng thương vụ có giá trị 500 nghìn USD đến 3 triệu USD chiếm tỉ lệ lớn nhất. Số lượng thương vụ tiền hạt giống (pre-seed) với quy mô dưới 5.000 USD giảm 19%.
Nhóm ngành bán lẻ tiếp tục dẫn đầu trong việc huy động vốn với 188 triệu USD, tiếp theo là dịch vụ tài chính 162 triệu USD, các lĩnh vực giáo dục và y tế lần lượt là 24 và 36 triệu USD.
“Xu hướng đầu tư năm 2022 có sự thay đổi lớn trong tiêu chí lựa chọn. Các nhà đầu tư thiên thần và Quỹ đầu tư mạo hiểm thận trọng hơn trong việc lựa chọn các dự án để rót vốn. Mùa đông ảm đạm trong đầu tư không chỉ đến từ việc kinh tế đang suy thoái trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân thực sự đến từ số lượng startup có khả năng thành công và mở rộng nhanh có tỷ lệ rất thấp.
Kinh tế suy thoái khiến các kênh đầu tư khác cũng khó khăn, thậm chí rơi vào tình trạng bong bóng. Do đó các nhà đầu tư thận trọng hơn trong đầu tư vào startup. Họ quan tâm đến các mô hình ứng dụng công nghệ cao, các đội nhóm có tiềm lực và khả năng thực thi cao để tìm kiếm lợi nhuận”, báo cáo nhận định.