Metaverse vẫn hấp dẫn dẫu ‘anh cả’ Facebook đang mất hàng tỷ USD
(DNTO) - Mặc dù nhiều chỉ trích hướng về Facebook khi công ty này đã đặt ván cược đắt đỏ vào metaverse (vũ trụ ảo), nhưng ở phần còn lại của thế giới, metaverse vẫn âm thầm phát triển và tiếp tục thu hút hàng triệu người.
Khó có hiệu ứng domino
Mặc dù khởi xướng cho metaverse bùng nổ nhưng cho đến hiện tại, người ‘anh cả’ Facebook vẫn chưa thể chiếm thế thượng phong. Cho đến hiện tại, gã khổng lồ công nghệ đã chi tới 19 tỷ USD cho dự án metaverse và dự kiến sẽ tiếp tục tăng chi vào năm sau. Giá trị cổ phiếu Facebook hiện đã giảm hơn 70% kể từ đầu năm, buộc công ty phải sa thải hơn 11.000 nhân viên.
Những chỉ trích với Mark Zuckerberg vì thế cũng ngày càng tăng lên khi vị CEO ngày càng đắm chìm trong giấc mộng vũ trụ ảo. Các nhà đầu tư hoài nghi về một dự án mà có thể người dùng sẽ không bao giờ sử dụng.
Ở nơi khác, 18 quỹ đầu tư metaverse trên một năm tuổi chứng kiến sự sụt giảm từ 33- 66% trong 12 tháng qua. Khoảng 50 quỹ hoán đổi danh mục và quỹ tương hỗ liên quan đến metaverse cũng chứng kiến chứng chỉ quỹ lao dốc trong thời kỳ thị trường chứng khoán ngủ đông. Trong đó, quỹ lớn nhất là ETF Roundhill Ball Metaverse, đã giảm 51% trong năm qua.
Nhiều nghi vấn đặt ra rằng vũ trụ ảo có lẽ cũng giống như cái tên của nó, không mang nhiều giá trị thực mà chỉ là sự thổi phồng của các ông lớn công nghệ để tạo sức hấp dẫn cho công ty của họ. Nhưng, nếu nhìn lại bản chất của công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới như metaverse, những thứ cần thời gian để các công ty trong ngành xây dựng sản phẩm mẫu, người dùng có cơ hội thử nghiệm và cần thời gian để công nghệ đi vào đời sống, thì metaverse vẫn là công nghệ có nhiều triển vọng.
Ngay cả Facebook, việc đổ tiền cho vũ trụ ảo sẽ không có gì đáng nói nếu hoạt động kinh doanh chính của gã thuận lợi. Nhưng, Facebook dường như đã “tham vàng, bỏ ngãi” khi quá chú trọng vào metaverse mà quên đi hoạt động kinh doanh cốt lõi là ứng dụng mạng xã hội.
Trong khi đó, sự nổi lên của những người khổng lồ mới như Tiktok đã kéo đi lượng lớn người dùng, kèm theo những khoản quảng cáo béo bở, khiến hoạt động Facebook càng khó khăn. Do đó, Facebook lao đao không phải do bản thân metaverse mà do chiến lược kinh doanh của công ty, chọn đặt cược vào công nghệ này thay vì chú trọng nâng cấp mạng xã hội của gã.
Còn trong lĩnh vực đầu tư, sụt giảm là từ khóa chung của thị trường chứng khoán, thị trường đầu tư mạo hiểm kể từ đầu năm đến nay, không riêng gì với lĩnh vực công nghệ. Nguyên nhân do tình hình kinh tế nhiều biến động, tình trạng lạm phát toàn cầu gia tăng buộc nhiều quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó, khiến dòng vốn trên thị trường khan hiếm hơn. Các nhà đầu tư vì vậy cũng cẩn trọng hơn trong việc xuống tiền cho những dự án còn sơ khai.
Do đó, sẽ khó xảy ra hội chứng domino với metaverse vì đây vẫn được xem là công nghệ của tương lai, tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của thị trường, các dự án metaverse vẫn tiếp tục khó khăn trong việc huy động vốn.
Một nơi khác nhộn nhịp
Mới đây, gã khổng lồ viễn thông Hàn Quốc SK Telecom công bố sẽ ra mắt Metaverse Ifland tại 49 quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á. Ifland sở hữu 12,8 triệu người dùng trong quý 3 năm nay. Đặc biệt hồi tháng 9, Ifland đã bổ sung thêm yếu tố kinh tế, từ việc người dùng tổ chức các cuộc họp trên nền tảng có thể nhận được điểm đóng góp từ những người khác, sau đó số điểm có thể quy ra tiền mặt.
Đối thủ của Ifland tại Hàn Quốc là nền tảng Zepeto của Hàn Quốc, cũng đang sở hữu hơn 300 triệu người dùng đã đăng ký trên toàn thế giới.
Trung Quốc đặt mục tiêu nuôi dưỡng 100 “doanh nghiệp xương sống” sáng tạo và có ảnh hưởng trong lĩnh vực metaverse, đồng thời phát triển 10 thành phố và khu công nghiệp thí điểm về thực tế ảo. Nước này cũng đặt tham vọng ngành công nghiệp thực tế ảo đạt giá trị 350 tỷ nhân dân tệ (48 tỷ USD) vào năm 2026, tăng gấp 6 lần năm ngoái.
Một báo cáo mới đây của Công ty Kiểm toán Deloitte cho biết metaverse có thể đóng từ 800 - 1.400 tỉ USD vào GDP ở châu Á mỗi năm vào năm 2035. Mặc dù còn sơ khai nhưng đã có hàng triệu người châu Á dành thời gian và tiền bạc cho các nền tảng metaverse phổ biến như Fortnite, Roblox hay Decentraland.
Việt Nam là nơi được Deloitte đánh giá là một trong những tâm điểm, tiên phong phát triển vũ trụ ảo. Theo nhận định của Deloite, metaverse mang lại 9-17 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Việt Nam, tương đương với 1,3 đến 2,4% tổng GDP.
Nhận định về tiềm năng của metaverse, đại diện của Adsota, đơn vị quảng cáo chính thức của Facebook tại Việt Nam, cho biết sự ra đời của metaverse không chỉ đã thay đổi xu hướng làm việc từ xa, ngành công nghiệp trò chơi mà bây giờ là tiếp thị/quảng cáo. Metaverse tiếp tục đưa mọi người tiến gần hơn một bước tới thế giới “ảo” trong tương lai.
“Các nhà tiếp thị liên kết định vị mình trong metaverse có nhiều sự lựa chọn hơn, từ việc quảng cáo các sản phẩm ảo đến thiết lập hình đại diện hoặc thậm chí tạo ra thế giới ảo của riêng họ. Trong tương lai, một số công cụ hỗ trợ để đo lường mức độ tương tác của người dùng sẽ được phát triển trên các nền tảng metaverse này”, đại diện Adsota cho biết.