Bí quyết đột phá giúp BK- Holdings huy động 100 tỷ đồng trong đại dịch ‘dễ như ăn cháo’
(DNTO) - Là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được hình thành trong trường đại học, BK- Holdings cho biết bí quyết để có một loạt sản phẩm công nghệ và huy động vốn thành công là “tách” quản trị doanh nghiệp khỏi hệ thống hành chính sự nghiệp.
Kiếm tiền trên các sáng chế
BK-Holdings được thành lập năm 2008 theo mô hình spin-off, tức các công ty công nghệ nhằm thương mại hóa các nghiên cứu của các nhà khoa học theo hình thức đồng sở hữu nghiên cứu, được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu. Đây cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được thành lập trong lòng một trường đại học, cụ thể là Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Đầu năm 2021, BK-Holdings cũng thành lập BK Fund với số vốn ban đầu là gần 20 tỷ đồng. BK Fund là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của một trường đại học công lập, được thành lập theo Nghị định 38 của Chính phủ. Năm 2020, BK-Holdings được tổ chức Global Economics trao giải là công ty tư vấn đổi mới sáng tạo tốt nhất Việt Nam.
Chia sẻ trong Hội thảo Phát triển các tổ hợp đổi mới sáng tạo, thuộc Techfest Vietnam 2022, sáng 4/12, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holdings, cho biết rất tâm đắc với một câu nói của nhà khoa học Albert Einstein: "Chúng ta không thể giải quyết vấn đề nếu vẫn dùng tư duy đã từng tạo ra vấn đề đó". Nếu trường đại học làm về sáng tạo mà vẫn dùng hệ thống phòng ban hành chính sự nghiệp để làm thì sẽ không bao giờ làm được. Do vậy, các tổ chức ươm tạo trong trường đại học phải có khả năng tự chủ tài chính. Ngoài ra, dù các tổ chức ươm tạo được xây dựng theo mô hình nào, điều quan trọng trong quản trị là phải tách bạch với hệ chính hành chính sự nghiệp.
“Thực ra trước kia, BK-Holdings cũng có chính sách chưa phù hợp, tức nhà trường luôn phải nắm trên 51% cổ phần, điều này rất khó để tạo ra các đơn vị thành viên. Nhưng hiện nay, chúng tôi thay đổi về cấu trúc, nhà trường chỉ nắm 5-10%, từ đó, một loạt các sản phẩm công nghệ ra đời và chuẩn bị lập doanh nghiệp. Chúng tôi đã tạo ra 4 chỉ tiêu thay đổi chính sách quản trị và thu hút được 100 tỷ đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp vào trong spin-off chỉ trong một năm đại dịch, trong tổng doanh thu 400 tỷ đồng, với vốn đầu tư 0 đồng”, ông Dũng cho biết.
‘Trường đại học gọi vốn triệu USD là chuyện không khả thi'
Cũng theo vị giám đốc BK-Holdings, từ khóa “trend” (xu hướng) hiện nay là đổi mới sáng tạo đang được nhắc đến ở rất nhiều trường đại học, nhưng rất ít trường đưa vào chiến lược bài bản. Thực tế, đa phần các trường đại học trên thế giới cũng tương tự, mới chỉ làm tốt phần đào tạo và nghiên cứu, còn phần vẫn đang bị “hõm” là thương mại hóa, tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đi sau thế giới, còn khó khăn nên đa phần vẫn chỉ tập trung đào tạo, một số ít quan tâm đến nghiên cứu và rất ít quan tâm đến đổi mới sáng tạo.
“Có rất nhiều trường đưa vào KPI rất hoành tráng như 1 năm đào tạo bao nhiêu startup, gọi vốn bao nhiêu triệu USD… nhưng đây là câu chuyện không khả thi. Câu chuyện đổi mới sáng tạo không phải trong thời gian ngắn, theo nhiệm kỳ 5 năm của một ông hiệu trưởng có thể làm được, mà đây là câu chuyện dài hạn, phải làm từng bước vững chắc, dựa trên chiến lược dài hạn. Tôi có làm việc với trường đại học số 1 về đổi mới sáng tại ở châu Âu là Đại học KU Leuven (Bỉ), vị giám đốc phụ trách về lĩnh vực này cho biết hệ thống đổi mới sáng tạo của trường mất 15 năm mới đạt điểm hòa vốn”, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết.
Cũng theo vị này, để làm đổi mới sáng tạo trong trường đại học, điều đầu tiên phải xây dựng được tác động xã hội (social impact), đây là cú phạt gián tiếp để ghi bàn. Khi danh tiếng cùng với sự kết hợp hiệu quả với doanh nghiệp, nguồn tiền sẽ quay trở lại và tái đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, để đổi mới sáng tạo thành công ở Việt Nam phải thực hiện cách đánh du kích và không thể sao chép bất kì mô hình nào trên thế giới.
“Khi chúng tôi trao đổi với đồng nghiệp, chúng tôi đều nói với nhau rằng không thể bắt chước được Singapore vì họ rất giàu có. Để làm được câu chuyện như Block 71 (trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của Singapore) thì NUS Enterprise, Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Singapore mỗi năm phải ‘bơm’ hàng chục triệu USD. Với BK Holdings thì ngược lại, chúng tôi phải kiếm lại cho trường hàng chục triệu USD chứ không phải được tiêu”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, các trường để xây dựng các mô hình ươm tạo thành công cần dựa vào 4 yếu tố: con người, mức độ kết quả nghiên cứu, nguồn đầu tư tài chính giai đoạn chính và chính sách. Nếu không đảm bảo 4 yếu tố này không nên bước chân vào đổi mới sáng tạo.
“Về nguyên tắc chung, đổi mới sáng tạo trong trường đại học có rất nhiều định nghĩa. Nhưng tôi ấn tượng với định nghĩa của trường RMIT là: đổi mới sáng tạo = kết quả nghiên cứu + khả năng thương mại hóa. Tại Israel, họ thậm chí còn thực dụng hơn, họ thay dấu “+” bằng dấu “x”, tức kết quả nghiên cứu không tạo ra tiền thì coi như thất bại”, ông Dũng nhấn mạnh.