Dòng vốn đã dừng chân ở startup nông nghiệp
(DNTO) - Năm 2022 ghi nhận một năm thật khác với startup nông nghiệp khi có nhiều thương vụ gọi vốn triệu đô được hoàn thành, kỳ vọng mở màn cho thập kỷ mới bứt phá mới của startup trong lĩnh vực này.
Sôi động những thương vụ triệu đô
Tháng 5 vừa qua, một dòng vốn khủng lên tới 30 triệu USD từ Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund IV và Dragon Capital được rót về cho Entobel, startup chế biến thức ăn chăn nuôi từ côn trùng.
Entobel đã thành công khi chứng minh rằng côn trùng có thể trở thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp, với chất lượng cao và chi phí tốt hơn so với các nguyên liệu truyền thống như bột cá. Nỗ lực đó đã giúp họ đứng vững trong một ngành nghề truyền thống, với hàng nghìn doanh nghiệp trên thị trường đang ngày đêm cạnh tranh nhau một miếng bánh.
Trước Entobel, một startup khác trong lĩnh vực agritech (công nghệ nông nghiệp) là Koidra cũng huy động được 4,5 triệu USD tại vòng hạt giống do Quỹ đầu tư Ospraie Ag Science dẫn đầu. Công nghệ nhà kính tự quản của startup này giúp nông dân đưa ra các quyết định tối ưu để kiểm soát môi trường và cây trồng, góp phần làm tăng sản lượng, giảm nguy cơ hủy hoại môi trường do thâm canh.
Mio và Foodmap, 2 startup thương mại điện tử chuyên bán nông sản huy động lần lượt 8 triệu USD và 3 triệu USD đều trong vòng series A.
Nhiều startup khác cũng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề cố hữu của ngành nông nghiệp bằng công nghệ như Demeter ứng dụng hệ thống IoT (internet vạn vật) vào sản xuất, MimosaTEK dựa trên điện toán đám mây để người dân kiểm soát môi trường canh tác, Hachi phát triển hệ thống canh tác thủy canh điều khiển bằng IoT hay Sero.ai ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp nông dân phát triển cây trồng…
Dù nông nghiệp công nghệ cao được nhận định là một mảnh đất màu mỡ, nhưng thời gian qua, số lượng startup thành công trong lĩnh vực này rất hiếm hoi. Đó cũng là lý do mà các quỹ đầu tư chưa mặn mà với ngành nông nghiệp như với các startup ở các ngành nghề khác như fintech (công nghệ tài chính) hay thương mại điện tử.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi cần startup phải có đủ lực để đi đường dài. Mặc dù hiện các quỹ mới chỉ dành 10% nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp nhưng đây là một lĩnh vực rất tiềm năng trong tương lai và cũng là thế mạnh của Việt Nam.
Tìm đề bài không khó
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng Nông nghiệp thông minh (Techfest Việt Nam 2022), tìm ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không khó. Nếu quay lại 3 khâu quan trọng nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là sản xuất, chế biến và thương mại, thì sẽ có rất nhiều đề bài, câu chuyện cụ thể.
Trong khâu sản xuất, đề bài là tìm kiếm những công nghệ, giải pháp xanh, công nghệ sinh học để xử lý các tình trạng thành tài nguyên trong canh tác (ví dụ dùng công nghệ biến chất thải từ chăn nuôi bò sữa thành nguồn tài nguyên). Hay phát triển các thiết bị tự động hóa để làm giảm chi phí nhân công, các thiết bị liên quan đến đo đạc để cảnh báo cho người nông dân tránh lãng phí nguồn tài nguyên đang canh tác cũng như chủ động có biện pháp phòng ngừa.
“Cần làm việc cụ thể, với quy mô canh tác của địa phương, với chất đất, diện tích đó thì có thể nghiên cứu đưa vào loại cây trồng nào. Chúng ta nói về tự động hóa nhiều, tuy nhiên để đưa tự động hóa vào nông nghiệp thì phải có bài toán cụ thể. Vì có những doanh nghiệp đã nhập khẩu rất nhiều máy móc tự động hóa về nhưng không sử dụng được vì không phù hợp với thổ nhưỡng”, bà Thu nói.
Trong khâu chế biến bà Thu cho biết cũng đang rất thiếu những công nghệ chế biến sâu. Ví dụ, sau chương trình Techfest Sơn La, các chuyên gia đã trực tiếp hỗ trợ cho Hợp tác xã Chiềng Khừa (Mộc Châu, Sơn La), nghiên cứu bảo quản thành công trái mận. Sau 3 tháng trong kho lạnh, bỏ ra môi trường bên ngoài, quả mận vẫn giòn, không hề bị thâm và để trong môi trường bên ngoài được 7 ngày.
“Trong khi thị trường chỉ có 7-8.000 đồng/kg mận, họ đưa vào bảo quản với công nghệ. Sau 2 tháng bảo quản và bán ra thị trường, giá mận lên tới 38.000 đồng/kg. Đó là một cái chúng ta nhận thấy là bắt buộc phải tìm đến công nghệ chế biến và bảo quản”, bà Thu nói.
Thứ ba là khâu thương mại, theo bà Thu, không nằm ở việc có nhiều công cụ thương mại, tự động hóa, sàn thương mại điện tử, mà thách thức là khâu logistics và vận hành.
“Khách hàng ở Hà Nội không thể đặt mua 1kg rau su su từ Tam Đảo, chúng ta cần có cả sự vào cuộc của các đơn vị vận chuyển, hệ thống kho vận, logistics tích hợp vào hệ thống bán hàng thương mại điện tử hiện nay thì mới giải quyết được bài toán chuyển đổi số trong nông nghiệp”, bà Thu gợi ý.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều bài toán trong lĩnh vực nông nghiệp đang cần giải pháp đột phá đến từ startup. Nếu startup tận dụng khai thác mảnh đất này, cơ hội rất lớn vì sản xuất bền vững đang trở thành xu hướng phát triển của các nền kinh tế thế giới cũng như điểm ngắm của các quỹ đầu tư trong tương lai.