Hạn chế vay vốn, chuyên gia nói doanh nghiệp nên học Thế giới Di động, VNG pha loãng cổ phần để gọi vốn
(DNTO) - Các công ty sử dụng vốn vay sẽ rủi ro rất cao khi thị trường biến động, giá trị công ty thấp. Theo chuyên gia, doanh nghiệp nên nghiên cứu mô hình công ty cơ chế vốn, tức lấy vốn chủ sở hữu trọng tâm như nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và thế giới đang làm.
Doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn được định giá cao
Chia sẻ trong Hội thảo Quản lý dòng tiền và Huy động vốn, chiều 24/11, ông Đặng Hà Lâm, Sáng lập và Chủ tịch Quỹ đầu tư VOC Capital; Sáng lập và CEO chuỗi phở The Noodle House và chuỗi cà phê Gemini Coffee Chain, cho biết, dòng tiền được xem là yếu tố then chốt tạo sự ổn định trong hoạt động, khả năng chi trả và quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Dòng vốn của doanh nghiệp hiện chủ yếu thông qua vốn chủ sở hữu và vốn vay, hai nguồn vốn này ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của doanh nghiệp và quyết định khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.
Cụ thể, với mô hình công ty truyền thống, chủ yếu sử dụng vốn vay, ông Đặng Hà Lâm cho biết nguy cơ đứt gãy dòng tiền trong kinh doanh rất cao, vì kinh tế thế giới biến động và dự báo sẽ khủng hoảng rất sâu trong 3 năm tới, nếu càng vay lớn mà không có nguồn trả thì rất nguy hiểm.
Mô hình công ty thứ hai là công ty cơ chế vốn, sử dụng vốn công ty cá nhân và công ty xã hội, tức lấy vốn chủ sở hữu trọng tâm. Những mô hình như vậy vốn vay rất nhỏ, thường dưới 30-50% vốn chủ sở hữu.
Điển hình như Thế giới Di động thực hiện pha loãng cổ phần để gọi vốn. Họ đạt được định giá 10 triệu USD khi chỉ có 7 cửa hàng nhờ có Mekong Capital đầu tư. VNG, Uber… cũng vậy, họ vẫn được định giá cao mặc dù lỗ. Phương pháp này cũng đang được áp dụng phổ biến tại nhiều công ty trên thế giới.
“Có một sự nghịch lý là đôi khi lợi nhuận không đi cùng giá trị công ty. Khi tôi cùng bạn bè mở chuỗi phở, lúc đó dù vẫn lỗ nhưng vẫn huy động hơn 2 triệu USD và sau đó là cam kết 5 triệu USD, định giá công ty hàng chục triệu USD. Chúng tôi xác định 50 điểm là đạt điểm hòa vốn, nhưng trước đạt điểm hòa vốn không phải không có giá trị. Nhưng nếu lúc này đi vay ngân hàng, không ngân hàng nào công nhận cho chúng ta. Nếu một công ty chỉ dựa vào vốn vay thì sớm muộn sẽ gặp khó khăn. Có công ty doanh số 3-5 nghìn tỷ/năm nhưng nợ trên vốn chủ sở hữu rất lớn, gấp 3 lần, điều này gây rủi ro cho doanh nghiệp”, ông Lâm nói.
Chọn % nhỏ trong một miếng bánh to
Cũng theo ông Lâm, khi xây dựng mô hình dựa vào vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải cấu trúc lại mô hình kinh doanh cũng như chế độ ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên. Nếu được cấu trúc chuẩn, mỗi vòng gọi vốn sẽ là một vòng IPO. Doanh nghiệp có thể lên sàn hoặc không lên sàn, có thể thực hiện mau bán và sáp nhập (M&A), nhưng nếu huy động vốn mà không biết quản lý và minh bạch với nhà đầu tư thì không thể hoạt động tốt và khó gọi vốn trong những vòng tiếp theo.
“Giống như cách FPT khi bắt đầu niêm yết, họ dành suất mua cổ phiếu đầu tiên cho các nhân viên của mình. Khi toàn bộ nhân viên có quyền lợi thì họ mới gắn bó với công ty và họ làm cho họ chứ không phải làm cho công ty. Nhiều doanh nghiệp muốn sở hữu 100% của công ty giá trị 1-2 tỷ, nhưng tỷ phú Bill Gate hiện chỉ sở hữu 1% cổ phần của Microsoft do ông đồng sáng lập, nhưng tổng tài sản của ông vẫn ở mức 139 tỷ USD năm 2021 vì vốn hóa của Microsoft lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Các công ty này lựa chọn % rất nhỏ của miếng bánh rất to”, ông Lâm nêu ví dụ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho biết, mô hình kinh doanh vẫn là gốc rễ của doanh nghiệp, tức phải tạo ra giá trị cho người dùng. Mô hình tài chính, vốn chỉ là đòn bẩy, giúp giảm áp lực vốn vay, tăng giá trị doanh nghiệp. Còn nếu mô hình kinh doanh không tốt, mô tài chính dù tốt cũng khó “gánh” được số mệnh của doanh nghiệp.
70-80% doanh nghiệp vừa và nhỏ không dự báo dòng tiền
Cũng chia sẻ trong Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hoa, Giám đốc Công ty tư vấn tài chính MBFC cho biết, mặc dù dự báo dòng tiền quan trọng với tất cả doanh nghiệp nhưng trong nhiều năm tư vấn, bà Hoa nhận thấy có tới 70-80% doanh nghiệp vừa và nhỏ không làm kế hoạch tài chính để dự báo dòng tiền. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát triển kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo bà Hoa, nguyên tắc rất rõ trong đầu tư là các khoản vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn dùng đầu tư với thời điểm tương ứng ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn để ổn định tài chính doanh nghiệp. Nhưng nhiều doanh nghiệp lại dùng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư cho trung và dài hạn, điều này tạo nên áp lực lớn về vốn, khiến doanh nghiệp luôn lâm vào cảnh thiếu tiền, tạo nên rủi ro rất lớn.
“Nhiều doanh nghiệp bị mắc khi đầu tư các dự án mới. Đa phần các chủ đầu tư tính toán dòng tiền cho các dự án mới gồm 30% vốn tự có, 70% vốn đi vay. Doanh nghiệp nghĩ rằng bỏ 30% vốn rồi thì dùng để đầu tư dự án mới. Nhưng trong trường hợp hoạt động chính của doanh nghiệp vẫn chạy tốt thì không sao, nếu gặp vấn đề thì nguồn tiền dành cho dự án mới bị ngắt quãng, các dự án mới cũng sẽ bị kéo dài và chưa thể có dòng tiền thu về như kế hoạch. Từ đó ảnh hưởng đến cả hoạt động chính của doanh nghiệp”, bà Hoa lấy ví dụ.
Vị chuyên gia cũng cho biết, thời điểm 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp bắt đầu làm kế hoạch tài chính cho năm sau. Để có kế hoạch dự trù tài chính từ doanh thu, chi phí cho từng tháng, doanh nghiệp phải phân tích số liệu liên tục trong 3 năm cũng như các xu hướng của thị trường, xã hội, hoàn cảnh kinh tế để cho ra bức tranh tài chính sát sườn nhất. Nếu làm được điều này, khi áp dụng triển khai, doanh nghiệp đạt được 80% kế hoạch.