BK Fund: ‘Sếu đầu đàn’ liệu có thể sinh sôi?
(DNTO) - BK Fund - Quỹ đầu tư đầu tiên được hình thành trong lòng một trường đại học công lập đã bước đầu khẳng định sự thành công trong việc ươm tạo các sáng chế, phát minh. Mô hình này đang được kì vọng có thể nhân rộng để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Mô hình mẫu trong ươm tạo khởi nghiệp
BK Fund là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của một trường đại học công lập, cụ thể là Đại học Bách Khoa Hà Nội, ra mắt từ tháng 1/2021, sau khoảng nửa năm chuẩn bị và huy động vốn ban đầu được gần 20 tỷ đồng.
Được thành lập theo nghị định 38 của Chính phủ và để thể chế hóa luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Quốc hội thông qua năm 2018, quỹ BK Fund gắn với sứ mệnh đầu tư, ươm tạo các sáng chế trong trường Bách khoa và các trường đại học khác.
Đồng thời, quỹ cũng kết nối và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các dự án, startup tiềm năng, giúp đưa các ý tưởng phát triển thành các sản phẩm thương mại phục vụ xã hội.
Điểm đặc biệt của BK Fund là một quỹ đầu tư được hình thành trong trường công, nhưng không dùng ngân sách của trường mà từ nguồn tài chính huy động từ các nhà đầu tư là cựu sinh viên, cán bộ của trường.
“Với mô hình này, trường Bách Khoa xây dựng được một tổ chức huy động nguồn lực xã hội tham gia vào. Một quỹ thì ngoài vấn đề tài chính, chúng tôi tâm đắc hơn là đi cùng BK Fund là các nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành, chia sẻ các cơ hội, thương mại hóa công nghệ, kinh doanh cho những nhóm được đầu tư, ươm tạo”, ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc ươm tạo của Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings), đơn vị quản lý Quỹ BK Fund chia sẻ.
Mới đây, BK Fund đã có quyết định mang tính chiến lược khi “bắt tay” với Quỹ đầu tư ThinkZone Ventures trong việc quản lý Quỹ BK Fund I, nhằm hỗ trợ tìm kiếm và đầu tư vào các startup công nghệ tiềm năng, hướng tới kế hoạch dài hạn là nâng quy mô quỹ BK Fund lên 10 triệu USD.
Sau khi hợp tác, BK Fund và ThinkZone đã quyết định đầu tư vào 2 startup, một trong số đó là Gimo - nền tảng ứng lương linh hoạt 24/7. Tuy không công khai khoản tiền đầu tư cụ thể vào các thương vụ, nhưng ông Bùi Thành Đô, CEO của ThinkZone tiết lộ, đã có thương vụ được rót trên 200.000 USD và hai quỹ đang đàm phán thêm một số thương vụ khác.
“Đứng dưới góc độ quỹ đầu tư như ThinkZone, chúng tôi rất muốn được làm việc với các trường đại học vì đây là nơi sản sinh ra các nhà khởi nghiệp tiềm năng, có bài bản, vững vàng hơn trong việc đưa ý tưởng ra thị trường”, ông Đô nhấn mạnh.
Có thể “copy paste” mô hình BK Fund?
Ông Phạm Tuấn Hiệp cũng chia sẻ, yếu tố then chốt để BK Fund được hình thành đó là sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, những người làm chủ trương chính sách và sự tham gia tích cực của các chủ doanh nghiệp, mặc dù có những người đây là lĩnh vực rất mới của họ.
“Trong mô hình thí điểm ở giai đoạn đầu, vai trò nâng đỡ của Nhà nước vô cùng quan trọng. Đằng sau nhiệm vụ của Đề án 844, chúng tôi vẫn duy trì sự hợp tác, liên kết giúp những nhóm nghiên cứu tạo ra sáng chế mà xã hội cần và tốt đến mức xã hội sẽ đóng góp cả nguồn lực, kinh phí để tiếp tục duy trì mô hình này một cách bền vững”, ông Hiệp cho hay.
Đồng tình với quan điểm cần có hành lang pháp lý thuận lợi để thành lập một quỹ trong trường đại học, ông Bùi Thành Đô cũng phân tích thêm về tầm quan trọng của việc kết nối các nhà đầu tư trong một quỹ.
“Những người sáng lập quỹ có thể là những doanh nhân thành công trong các công ty truyền thống, nhưng khi đầu tư khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm. Để quỹ đầu tư thành lập và hoạt động, các nhà đầu tư tham gia vào phải có chung tiếng nói, có chung khẩu vị đầu tư và phải hiểu cách thức đầu tư của một quỹ, về quy trình thẩm định…”, ông Đô nói.
Lấy ví dụ khi thành lập ThinkZone, ông Đô cho biết, thời gian đầu quỹ này phải kết hợp với các nhà đầu tư tại BK Fund để tổ chức các buổi đào tạo tại ThinkZone, nhằm giúp các nhà đầu tư góp vốn trong quỹ thực sự hiểu về đầu tư khởi nghiệp như thế nào, và họ phải chấp nhận rủi ro trong các thương vụ đầu tư.
“Nếu giai đoạn đầu tiên các nhà đầu tư không cùng khẩu vị, không dễ chấp nhận rủi ro thì quỹ không thể giải ngân được mặc dù có rất nhiều tiền. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc vận hành quỹ về sau vì sẽ gây nhiều thách thức cho đội ngũ đứng ra quản lý quỹ”, ông Đô nhấn mạnh.
Ở tầm vĩ mô, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho hay, một trong những đặc trưng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là tăng cường sử dụng ngoại lực, kết nối tất cả nguồn lực lại với nhau để hỗ trợ trở lại cho hệ sinh thái, cụ thể là startup.
Đối với mô hình liên kết trong trường đại học, hiện đang có nguồn lực rất lớn từ chính bản thân các trường, sau đó là nguồn lực từ startup, nhóm khởi nghiệp được hình thành từ các trường học.
“Việc hình thành các quỹ xuất phát từ chính các trường đại học là một bước đi đột phá, bởi không ai hiểu khẩu vị đầu tư hơn chính cựu sinh viên của nhà trường và họ cũng chính là nguồn lực lớn nhất của các trường đại học, và khi tập hợp họ trong một quỹ, họ sẽ trở thành nhà cố vấn, nhà đầu tư rất tốt và rất am hiểu về lĩnh vực, khẩu vị, và các nhóm startup. Tôi nghĩ mô hình này cần nhân rộng ra các trường đại học khác”, ông Thắng nhấn mạnh.
Thực tế, trên thế giới, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất vốn không thuộc về tư nhân mà được hình thành trong lòng các trường đại học. Cụ thể tại Mỹ, hai trường đại học hàng đầu là Havard và Stanford đã xây dựng được quỹ với số vốn huy động lên tới với khoảng 300 tỷ USD.
Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành tương đối hoàn thiện với đầy đủ các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, mô hình như BK Fund có thể nhân rộng tại các trường đại học, theo các chuyên gia, yếu tố liên kết, tương tác giữa các chủ thể trong mạng lưới là rất quan trọng. Vì vậy, các cơ quan chức năng đang nỗ lực xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, và Việt Nam hoàn toàn có thể kì vọng “sếu đầu đàn” BK Fund có thể tiếp tục sinh sôi.