Gen Z làm nghề: Bản năng hay bản lĩnh?
(DNTO) - Gen Z (sinh năm 1997 - 2012) xứng đáng được cổ vũ, động viên thay vì chỉ trích là “làm việc cảm tính”, “dễ dàng nghỉ việc”.
Nỗi oan của Gen Z
“Anh không hiểu các bạn trẻ hiện nay nghĩ gì”, vị trưởng phòng kinh doanh của một công ty thốt lên như vậy với tôi khi nói về các nhân sự Gen Z mà anh đang quản lý.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc nhân sự cấp dưới của anh đi làm với một bộ tóc được nhuộm màu hồng tím. Một hôm, anh nói với cô ấy rằng: “Mai em đi gặp đối tác cùng anh, nhưng nhớ phải nhuộm lại tóc màu trầm nhé”. Hôm sau, cô gái xuất hiện với mái tóc được nhuộm lại… màu bạch kim. Vị trưởng phòng thảng thốt: “Anh đã bảo em nhuộm tóc màu trầm mà!”. Cô đáp tỉnh rụi: “Này là màu trầm mà anh!”.
“Làm việc cảm tính”, “cả thèm chóng chán”, “ghét sự gò bó, ràng buộc”, hay “đòi hỏi chế độ đãi ngộ cao” là những cụm từ mọi người thường dành cho những nhân sự Gen Z.
Khảo sát mới đây của Anphabe cho thấy, 62% nhân sự Gen Z nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, thậm chí nhiều người nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường. Lý do lớn nhất là chế độ lương thưởng không như mong đợi.
Chuyên gia tâm lý Ngô Thùy Trang (Keira Ngo), Viện Phát triển Xã hội, cho biết, thế hệ Gen Z chủ động và xông xáo hơn thế hệ trước. Có những bạn ngay từ cấp 3 đã đi thực tập, ở bậc cử nhân đã có thể tổ chức những dự án mà thế hệ trước có khi đã đi làm vẫn gặp khó khăn. Tuy vậy, việc áp lực đồng trang lứa với Gen Z là không thể tránh khỏi khi xung quanh họ đều là những người cũng giỏi giang và nhanh nhẹn.
“Vì các bạn rất đa năng, nhiều khi việc gắn bó với một công việc trong thời gian dài là không khả thi vì xung quanh luôn có những lựa chọn khác có vẻ vui hơn, tiềm năng hơn. Ngoài ra, việc các bạn vẫn sống trong một xã hội còn tồn tại rất nhiều quan niệm cũ kỹ, như trọng nam khinh nữ, hay những lối tư duy gây bất bình đẳng khác khiến Gen Z áp lực”, bà Ngô Thùy Trang cho biết.
Công tắc cần kích hoạt đúng lúc
Dù mới bước qua tuổi 20 nhưng Giáp Vũ Nam Dương (Vicky Giáp) quyết định thử sức với công việc MC/BTV khi ứng tuyển vào Bản tin Zlife (dành cho thế hệ Z) của VTV Digital.
Cô nàng là Á quân Cuộc thi “Giải bài toán kinh doanh toàn cầu” 2021 do VinUni tổ chức; Giải đồng Cuộc thi “Giải bài toán châu Á và Thế giới” do Học viện Kinh doanh châu Á tổ chức. Vicky Giáp còn sở hữu kênh Tiktok với hơn 55 nghìn người theo dõi.
Thay vì chỉ gửi CV ứng tuyển thông thường, Vicky Giáp có cách thể hiện đặc biệt, là gửi kèm video dẫn đoạn tin về chủ đề cô yêu thích.
“Mình nghĩ đây là lý do mà mình đỗ. Mình chủ động thể hiện rằng, nếu được tham gia chương trình, mình muốn được làm những video về những chủ đề gì. Mình cũng hiểu rõ điểm mạnh, yếu của bản thân như mình từng sống ở 4 quốc gia nên có thể đem đến góc nhìn đa chiều. Mình giỏi tiếng Anh nên có thể dẫn chương trình song ngữ và cũng có kinh nghiệm viết lách, tìm kiếm thông tin”, Vicky Giáp chia sẻ.
Làm bản tin về công nghệ nên Vicky Giáp cũng cố gắng tìm cách thể hiện gần gũi với Gen Z ví dụ như đóng kịch… “Nếu bạn đủ “liều, điên và đam mê” thì vẫn có thể tự quay một video casting và gửi đến công ty mơ ước. Bạn của mình là Vừng cũng đã làm vậy để ứng tuyển vào Vietcetera và bạn ấy đã được nhận”, Vicky Giáp nói.
Thanh Nga, cô sinh viên ngành báo chí có một khởi đầu thuận lợi khi vừa ra trường đã có cơ hội làm việc tại nhiều tòa soạn báo lớn như VnExpress, Lao động, Zing… Nhưng sau 2 năm, Nga quyết định rời bỏ công việc phóng viên, rẽ sang hướng đi mới là tự mở studio chụp ảnh.
“Công việc này thỏa mãn 2 yếu tố, một là niềm đam mê của mình với nhiếp ảnh, hai là cho mình sự tự do, được làm chủ công việc và không quá nhiều áp lực như làm phóng viên”, Nga nói.
Hiện HimHim Studio của Thanh Nga thu hút đông đảo giới trẻ, ước tính, doanh thu những tháng cao điểm lên tới cả trăm triệu đồng.
Vicky Giáp, Thanh Nga hay thế hệ Gen Z luôn sẵn sàng và chủ động tìm kiếm cơ hội để thể hiện bản thân, theo đuổi đam mê. Vì vậy, không nên nhìn họ với ánh mắt quá khắt khe mà hãy nhìn nhận những thế mạnh Gen Z đang sở hữu, để “bật công tắc” kích hoạt tiềm năng trong họ.
Giống như Tiktok, khi mới ra đời không được các thương hiệu lựa chọn để quảng cáo. Đánh vào tâm lý thích thể hiện bản thân của Gen Z, mạng xã hội mới nổi này cho phép người dùng trở thành các nhà sáng tạo nội dung bằng việc tạo ra những đoạn video ngắn.
Nhờ vậy, TikTok dẫn dầu trong các cuộc khảo sát người dùng độ tuổi 18-25 về mạng xã hội ưa thích. Nền tảng hiện thu hút 1 tỷ người dùng mỗi tháng chỉ sau 4 năm ra mắt, bằng một nửa thời gian so với Facebook, YouTube hay Instagram. Năm 2022, doanh thu quảng cáo của TikTok ước tính tăng gấp 3 lần, đạt 11,6 tỉ USD, cao hơn cả Snapchat và Twitter cộng lại.
Gen Z cũng được nhận định là nhóm tiêu dùng thúc đẩy những xu hướng mới. Nielsen dự kiến, đến năm 2025, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia, tương đương 15 triệu người. Họ là những người tiêu dùng tiềm năng, luôn đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ gắn với những câu chuyện lớn lao hơn như trách nhiệm xã hội, vấn đề môi trường, bình đẳng giới, bên cạnh chất lượng và giá cả.
Chính những đòi hỏi khắt khe hơn từ Gen Z buộc các thương hiệu phải thay đổi, có trách nhiệm hơn trong sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường nếu không muốn mất đi lượng khách hàng tiềm năng.