Thương hiệu tìm cách ‘chăm’ khách hàng Gen Z
(DNTO) - Khác với các thế hệ khách hàng trước, nhóm khách hàng Gen Z đang ngày càng chủ động hơn trong tiêu dùng khi họ đang chủ động tạo ra sân chơi cho riêng mình và buộc các nhãn hàng phải theo đuổi.
Mùa hè năm 2020, chiếc váy dâu tây của thương hiệu thời trang trẻ Lirika Matoshi (trụ sở New York, Mỹ) đã nhanh chóng được lan truyền bởi xu hướng Cottagecore (hòa mình vào thiên nhiên) trên TikTok, ứng dụng có 1/3 lượng người dùng là Gen Z. Chiếc váy đã giúp thương hiệu Lirika Matoshi nhanh chóng mở rộng và tăng trưởng doanh thu nhanh chóng, mặc dù trào lưu chỉ thoáng qua.
Không chỉ những thương hiệu thời trang non trẻ, các thương hiệu thời trang xa xỉ và lâu đời như Gucci, D&G, LV hay Channel… cũng đang thay đổi trong cách kinh doanh, sáng tạo sản phẩm để phù hợp với người tiêu dùng thế hệ Z.
Theo thống kê cho thấy, Gen Z đang chiếm 1/3 dân số thế giới (khoảng 2,6 tỷ người). Tại Việt Nam, con số này là 15 triệu người, khoảng 25% lực lượng lao động của nền kinh tế. Sinh ra vào năm 1997 đến năm 2012, thế hệ Gen Z lớn lên trong bối cảnh thế giới phát triển như vũ bão bởi sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, các nghiên cứu chỉ ra, Gen Z là thế hệ đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiêu dùng, phát triển kinh tế.
Nghiên cứu của Pinterest chỉ ra, các thương hiệu kết nối với Gen Z sẽ có cơ hội tăng trưởng doanh thu gấp 14 lần so với thế hệ người dùng khác. Ngoài ra, Gen Z cũng dự kiến sẽ trở thành tầng lớp tiêu dùng sản phẩm mới lớn nhất toàn cầu vào năm 2026.
Trong nghiên cứu “Thế hệ Z – người tiêu dùng tương lai” của Nielsen cũng cho thấy, hơn 70% trả lời rằng Gen Z là đối tượng có sức ảnh hưởng nhất định đến các quyết định mua sắm từ đồ gia dụng, quần áo, đồ ăn và thức uống…
Đặc biệt, khác với thế hệ trước, Gen Z còn quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội, môi trường và bình đẳng giới đối với các thương hiệu. Và khi Gen Z đang dần trở thành lực lượng thống trị thị trường lao động; đồng thời với cá tính riêng, họ là thế hệ chủ động tạo ra sân chơi của chính mình, thay vì giống như các thế hệ trước, đeo đuổi cuộc chơi đã được sắp đặt. Do đó, hiện nhiều thương hiệu, nhãn hàng đang ra sức “lôi kéo” nhóm khách hàng gen Z trở thành nhóm khách hàng tiềm năng cho tương lai.
Bà Trương Hồng Liên, Giám đốc tư vấn Chiến lược và Chuyển đổi số, E&Y Consulting Vietnam nêu ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, thế hệ khách hàng Gen Z hiện nay hầu hết nhìn vào trải nghiệm khách hàng của các ngân hàng, không giống như các thế hệ trước chỉ nhìn vào thương hiệu.
“Khảo sát mới nhất của E&Y cho thấy, khách hàng đang cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng ngân hàng trên điện thoại. Gần 2/3 số lượng người dùng smartphone có ít nhất một ứng dụng tài chính trên thiết bị của họ. 67% khách hàng cho biết tiêu chuẩn của họ về trải nghiệm tốt là cao hơn bao giờ hết… Đây là những khuyến nghị cho ngành dịch vụ tài chính cần nâng cấp công nghệ để có trải nghiệm vượt trội”, bà Liên cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Tuyến, Trưởng nhóm Giải pháp và Tư vấn dữ liệu Marketing tại Gimasys, một đơn vị cung cấp giải pháp cho nhiều hãng lớn như Vietnam Airlines, EVN, Masan, Tiki, VP Bank… thì nhóm khách hàng Gen Z ngày càng khó tiếp cận. Do vậy, quảng cáo đơn thuần không đủ để thay đổi nhận thức và trải nghiệm của thế hệ trẻ. Bởi họ nghiên cứu, xem qua rất nhiều đánh giá và tư liệu trước khi chọn mua sản phẩm.
“Tôi có một đứa em năm nay 21 tuổi, không bao giờ đọc tin nhắn điện thoại. Cách mà Gen Z giao tiếp với người lớn thường thông qua mạng xã hội Zalo và ít khi thích nghe điện thoại, chỉ thích đọc tin nhắn. Đó là hành vi của giới trẻ hiện nay. Các quảng cáo đơn thuần Gen Z nhìn thấy thông qua các kênh như xe bus, thang máy và họ cũng rất chú ý. Nhưng họ sẽ tìm hiểu rất nhiều kênh, thậm chí cuối cùng quyết định mua hàng của thương hiệu khác. Suy nghĩ của khách hàng Gen M và Z ngày càng phức tạp và để bắt được suy nghĩ đó ngày càng khó khăn”, ông Tạ Quang Tuyến chia sẻ.
Chia sẻ về cách doanh nghiệp có thể tiếp cận thế hệ Gen Z, ông Đỗ Hữu Hưng - CEO ACCESSTRADE (nền tảng tiếp thị liên kết đang có hơn 1.000 khách hàng doanh nghiệp, có mặt tại 6 quốc gia) cho biết, đây là thế hệ người dùng ưa chuộng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok… nên mạng xã hội là những kênh hiệu quả để thương hiệu có thể tiếp cận với khách hàng.
Đặc biệt là trên nền tảng TikTok, doanh nghiệp có thể tạo ra xu hướng mới để khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn với một chi phí vô cùng rẻ. Các nhãn hàng nhỏ sẽ có nhiều lợi thế về truyền thông, marketing trên mạng xã hội hơn các nhãn hàng lớn. Nhưng, sau khi nhãn hàng lớn bước chân vào cuộc chơi thì tạo ra sức ép với nhãn hàng nhỏ. Do đó, các thương hiệu nhỏ liên tục phải tìm đến những mảnh đất mới để khai thác, ví dụ như cuộc rời bỏ Facebook để tìm đến TikTok trong thời gian qua.