Để doanh nghiệp Việt không lạc lõng trên hành trình khoác 'lớp áo thương hiệu' cho sản phẩm
(DNTO) - “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, việc này, không chỉ một mình ngành nông nghiệp có thể làm được, mà cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và chính nhận thức của người nông dân”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục chế biến nông sản nhấn mạnh.
Nhiều bất cập trong hành trình khoác 'lớp áo thương hiệu' cho sản phẩm
Thực tế, trong thời gian qua nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam có giá trị lớn đang tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu, thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đồng thời với việc xây dựng và phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế đã đặt ra vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, đặc sản Việt Nam.
Đây là một phần quan trọng trong chuỗi giá trị của kinh tế nông nghiệp, để điệp khúc “được mùa mất giá” không còn là vấn đề “nóng” từ nghị trường Quốc hội đến các diễn đàn phát triển nông nghiệp.
Chia sẻ tại "Hội thảo và kết nối kinh doanh xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản", chiều 12/8, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, (Bộ NN&PTN), thông tin, Việt Nam có hàng nghìn sản phẩm nông sản đặc sản, nhưng chưa đến 10% sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Số sản phẩm đã được bảo hộ như: Cà phê Buôn Ma Thuột (bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nga, Thái Lan), quế Văn Yên (bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan), vải thiều Lục Ngạn (bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, nhãn hiệu tập thể tại Australia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... là quá ít so với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.
"Thực tế cho thấy, các sản phẩm sau khi được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã có giá bán tăng 20-100%. Điển hình như chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) giá bán tăng 100 -130%; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng 10-15%. Hay, cam cam Cao Phong (Hòa Bình) giá bán tăng gần gấp đôi; chè Mộc Châu (Sơn La) được bán cao hơn từ 1,7 - 2 lần...
Lý giải những nông sản có thương hiệu lại rất khiêm tốn, ông Toản cho rằng, việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập, như: Quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; chế biến, bảo quản sau thu hoạch vẫn theo phương thức thủ công nên chất lượng không đồng đều… Mặt khác, công nghệ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế nên một số sản phẩm có thương hiệu nhưng 70% được bán cho thương lái với giá bấp bênh...
Mặt khác, một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (hợp tác xã) được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án và không hoạt động khi kết thúc dự án, hoặc hoạt động rất cầm chừng. Việc này dẫn đến nguồn lực bị phân tán, kinh nghiệm tham gia quản lý và thương mại còn hạn chế.
Nêu bất cập, bà Lê Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, (Bộ Khoa học & Công nghệ), cho rằng, nếu không quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý không chỉ ở trong nước mà còn ở những thị trường có tiềm năng xuất khẩu, thì nguy cơ khiến cho hàng hoá của Việt Nam bị mất nhãn hiệu và điều đó cũng đồng nghĩa với việc mất thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
"Câu chuyện của cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng. Tháng 6/2011, nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam từ năm 2005) đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu trên lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù lý lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi kiện, “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre…", bà Thu nói.
Cũng theo bà Thu, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Ở Trung ương, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương. Ở địa phương, thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
"Việc này dẫn đến lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, lựa chọn sai hình thức bảo hộ, quy mô sản xuất nhỏ, tập trung chính vào khâu đăng ký. Sau bảo hộ, gặp khó khăn trong quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn và nâng cao giá trị sản phẩm...", bà Thu nêu rõ.
'Xây' như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Toản nhận định, việc nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt ra thị trường quốc tế không chỉ đến từ khâu chất lượng sản phẩm, từ thị trường, từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng mà còn đến từ năng lực tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu sản phẩm.
"Khi nói đến thương hiệu sản phẩm nông sản, đây là một phạm trù cần được định nghĩa rõ ràng, tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Bởi khi sản phẩm nông sản đưa được đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế thì sản phẩm đó cần được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm, từng nhóm loại hình đăng ký. Cách tiếp cận phải đúng, phải trúng và với phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả", ông Toản đánh giá.
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh với con số đạt gần 50 tỷ USD, việc cần thiết để xây dựng thương hiệu là có các thêm thành tố tham gia cùng người nông dân, cùng doanh nghiệp trong bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam ra trường quốc tế. Để khi bất cứ một tranh chấp quốc tế nào xảy ra thì đây sẽ là các thiết chế đại diện cho người nông dân, hợp tác xã. Bên cạnh đó, việc chuyển bị một năng lực pháp lý bài bản nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột về mặt thương mại.
"Chính vì vậy, muốn tạo ra đột phá trong xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu, một trong những điểm mấu chốt là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phải có cơ quan chuyên trách hỗ trợ các doanh nghiệp...", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, theo bà Thu, việc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình duy trì và phát huy giá trị sản phẩm. Vì thế, để duy trì được giá trị sản phẩm, trước tiên chủ sở hữu nhãn hiệu và người dân cần tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy chế kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận, từ đó duy trì được chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín trên thị trường...