Thế hệ Gen Z và cơ hội ‘vươn mình’ của startup Việt
(DNTO) - Thế hệ gen Z (những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi), được tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ đang tạo ra thị trường tiềm năng để startup Việt xây dựng đế chế của mình.
Cuộc sống gắn liền với công nghệ
Một buổi sáng đi làm, Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1998, trú tại Ba Đình, Hà Nội) mở ứng dụng Grab để đặt một cuốc xe đến công ty, cách nhà cô chừng 4km. Chưa đầy 30 giây, ứng dụng báo đã có tài xế nhận chuyến và chỉ 2 phút sau, cô đã được tài xế đến đón đi làm.
Nguyễn Phương Thảo cho biết, cuộc sống của những người trẻ như cô, hay còn gọi là thế hệ gen Z, ngày càng gắn liền với công nghệ, thậm chí, họ thích thú khi được trải nghiệm những sản phẩm công nghệ mới, giúp cuộc sống thuận tiện và nhanh chóng hơn.
“Ví dụ buổi trưa đặt đồ ăn sẽ thông qua ứng dụng Now, Baemin, Grab Food… Muốn đi du lịch sẽ đặt tour thông qua Traveloka hay Booking.com… hay tiện nhất là mua hàng online, cứ lên Shopee, Lazada… là mẫu mã, chủng loại hàng hóa nào cũng có”, Phương Thảo chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên trong thời đại số, cuộc sống của thế hệ gen Z đã quá quen thuộc với khái niệm “tự động hóa”, thông qua sự hỗ trợ của công nghệ, thiết bị di động thông minh và internet.
Báo cáo tổng quan toàn cảnh ngành Digital tại Việt Nam mới nhất năm 2021 do WeAreSocial (công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội có trụ sở tại Anh), và Hootsuite (dịch vụ quen thuộc với các blogger, chuyên gia marketing xã hội) mới công bố cho thấy, mạng xã hội đã dần trở thành phần thiết yếu trong cuộc sống của tất cả mọi người.
Cụ thể, trong tổng 97,8 triệu dân, số lượng người dùng internet tại Việt Nam vào tháng 1/2021 là 68,72 triệu người và tỉ lệ sử dụng internet là 70.3%. Trong đó, tỉ lệ sử dụng internet của nhóm người trên 13 tuổi và trên 18 tuổi lần lượt là 79,7% và 72,8%. Điện thoại di động là thiết bị chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong công nghệ kỹ thuật số, với 154,4 triệu thiết bị kết nối di động tại Việt Nam vào tháng 1/2021.
Đặc biệt, dịch Covid-19 đã thúc đẩy thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng khiến thương mại điện tử trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ. Chi tiêu của người dùng trung bình tăng từ 95 USD(năm 2020) lên 132 USD (năm 2021); giá trị giao dịch trung bình của người dùng sẽ tăng từ 167 USD lên 238 USD.
Do vậy, dù chỉ chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, thế hệ Z đang có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội hiện nay, đặc biệt trong mảng tiêu dùng và là nhóm người sẽ tạo ra xu hướng mới trong đời sống xã hội.
Cơ hội cho các sản phẩm “nhắm” đến gen Z
Trong bối cảnh thị trường với dân số trẻ dễ dàng chấp nhận và ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ nhiều hơn, Tiến sĩ Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập và Chủ tịch Got It AI (startup hoàn thành gọi vốn 25 triệu USD tại Thung lũng Silicon – Mỹ), cho biết, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đang có nhiều triển vọng tạo ra các sản phẩm công nghệ, đặc biệt sau dịch Covid- 19 , đây là cơ hội rất tốt dành cho các startup.
Đồng tình với quan điểm thế hệ Z đang góp phần tạo cơ hội cho các startup, ông Vũ Duy Thức, Giám đốc đầu tư tại Quỹ đầu tư Do Ventures cho hay, dịch Covid- 19 là thử thách nhưng cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Theo góc nhìn của Do Ventures, hiện thị trường Việt Nam có khá nhiều các công ty khởi nghiệp tiềm năng, chủ yếu là những công ty có thể thích nghi với những thách thức của thị trường, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, công nghệ tài chính…
“Theo tôi, các công ty có thể ứng dụng công nghệ tốt để giúp xã hội thích nghi với cuộc sống bình thường mới, những hoạt động không tiếp xúc thì sẽ thành công rất lớn. Đặc biệt là các công ty khởi nghiệp phát triển sản phẩm phục vụ cho các người dùng trẻ. Đây là một số mảng Do Ventures quan tâm”, ông Thức chia sẻ.
Cũng theo Báo cáo quý 1/2021 mới công bố của Nextrans Vietnam, tổng giá trị các khoản đầu tư trong 3 tháng đầu năm vào các startup Việt Nam đạt hơn 100 triệu USD, tăng khoảng 34% so với năm 2020, chưa tính đến những khoản đầu tư không được công bố. Trong đó, các lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư tập trung gồm công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, giải pháp doanh nghiệp và logistics.
Hiện tại Việt Nam đã có gần 180 quỹ đầu tư lớn nhỏ đang hoạt động. Các doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chính doanh nghiệp, đồng thời rót vốn đầu tư và hợp tác với các startup trên thị trường. Như vậy, startup Việt Nam đang có những nền tảng khá tốt để phát triển trong giai đoạn hiện nay.