GenZ tìm 'cảm giác thuộc về' trong mối quan hệ công việc, cuộc sống
(DNTO) - Sinh ra và phát triển cùng công nghệ, người trẻ GenZ có nhiều cơ hội và nền tảng để kết nối với nhau nhưng cũng vì thế mà các mối quan hệ trở nên hời hợt. Sự lạc lõng, cô đơn khiến họ khó tìm được “cảm giác thuộc về” trong những mối quan hệ cộng đồng của mình.
Gửi một chiếc máy ảnh đến triển lãm Quán Dịu Mờ, Vũ Thiên Phương, nhà sáng lập thương hiệu thời trang cho giới trẻ NirvanaStreetwear, chia sẻ anh là người có nhiều mối quan hệ, bạn bè cho đến làm ăn. Nhưng để sâu và thực sự coi nhau là anh em thì không nhiều, chỉ có một nhóm nhỏ.
Chàng trai này cũng không xác định phải xây dựng các mối quan hệ quanh mình, mà để nó đến một cách tự nhiên, theo quan điểm “cứ thật thà, thẳng thắn và vui vẻ”, như các anh làm các dự án Last Fire hay Antiantiart, Nirvana Space rồi Nirvana Streetwear, thậm chí cả mối quan hệ với bạn gái.
“Qua thời gian chơi và trải nghiệm cùng nhau, thấy hợp thì thoải mái và thuộc về nhau trong mối quan hệ đó. Trong một mối quan hệ, việc chúng ta có thể làm tốt nhất là lắng nghe và quan sát, đừng chỉ lắng nghe mỗi bản thân mình. Vì thế, tôi luôn hướng đến một môi trường thân thuộc để vui vẻ cùng những anh em, sinh hoạt trong thứ văn hóa yêu thích”, Phương chia sẻ.
Lê Khánh Minh, Host tại chương trình truyền hình IELTS Face Off, Giảng viên Đại học Hà Nội, cũng có thời gian dài “lao tâm khổ tứ” khi tìm cách “hòa nhập” với môi trường làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Anh chia sẻ bản thân là một người hướng nội nên không thích thể hiện bản thân hay quảng giao. Trong khi đó, công việc của một nhà báo lại yêu cầu phải tương tác, trao đổi liên tục và cởi mở với nhân vật khách mời cũng như trong phối hợp với đồng nghiệp. Sau đó, anh phát hiện ra một điểm thú vị là những người bận bịu thường rất hay đồng cảm với nhau, và vì thế Khánh Minh đã gia nhập vào một cộng đồng mới.
“Cảm giác thuộc về với VTV cả một hành trình dài gắn bó chính việc cùng bàn bạc, tranh luận, hỗ trợ kịp thời, chạy deadline và những đêm không ngủ với nhau đã khiến cách mình đón nhận mọi người dần trở thành một cái gì đó hơn cả đồng nghiệp. Nhưng lúc tôi tự hào nhất khi là một thành viên của VTV là dùng thẻ biên tập viên để mở các cánh cửa bảo mật trong cơ quan. Điều đó có nghĩa rằng người mang tấm thẻ là người được tin tưởng và tham gia vào những công đoạn quan trọng nhất của công việc. Đó là một cảm giác chưa bao giờ cũ mặc dù nó diễn ra hàng ngày”, Khánh Minh chia sẻ lý do gửi bộ suit đến triển lãm Quán Dịu Mờ vì đây là sợi dây kết nối giữa anh và nơi làm việc đầu tiên – VTV.
Triển lãm Quán Dịu Mờ được tổ chức bởi TeamX Hanoi, nằm trong khuôn khổ Chuỗi Sự kiện TEDxHoangMinhGiamSt 2022, diễn ra tại OUR.hanoi, từ 29/9-02/10.
Khu triển lãm tương tác giúp người trải nghiệm trực tiếp, cảm nhận, lắng nghe những câu chuyện về “cảm giác thuộc về” qua radio và hiện vật từ những “người đóng góp” của sự kiện. Từ những câu chuyện mang tính cá nhân giống như Vũ Thiên Phương hay Lê Khánh Minh, người tham gia sẽ thấu hiểu hơn về những biểu hiện cũng như tầm quan trọng của “cảm giác thuộc về” trong cuộc sống.
Nguyễn Lan Nhi, Trưởng Ban Tổ chức Quán Dịu Mờ chia sẻ, chúng tôi không đi vào những vấn đề quá đao to búa lớn mà muốn đi vào những vấn đề chính bản thân của những người trẻ. “Sense of belonging” (cảm giác thuộc về) là nhu cầu cảm xúc, tâm lý vô cùng cơ bản, thân thuộc gần gũi mà đôi khi mọi người không thể gọi tên được nó.
“Chúng tôi hi vọng qua triển lãm mỗi cá nhân khi đến đây hiểu hơn về cảm giác thuộc về, thúc đẩy mọi người có chiêm nghiệm, suy nghĩ, thông qua đó tự tin chia sẻ những cảm xúc về “cảm giác thuộc về” của cá nhân”, Nhi nói.