Gen Z: Một thế hệ lao động... rất khác
(DNTO) - Yêu cầu mức lương, chế độ đãi ngộ cũng như môi trường làm việc chủ động, sáng tạo và có tính high tech (công nghệ cao) khiến các nhà tuyển dụng “đau đầu” với các nhân sự Gen Z (sinh năm 1997-2012).
Những lao động không sợ nghỉ việc
Các nhân sự Gen Z là lực lượng lao động đặc biệt khi sinh ra và lớn lên cùng với sự phát triển của công nghệ, vì vậy họ có những suy nghĩ, nhu cầu rất khác so với các thế hệ trước.
Một kết quả khảo sát của Anphabe cho thấy 62% nhân sự Gen Z nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, thậm chí nhiều người nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường.
Cả thèm chóng chán và ghét sự gò bó, ràng buộc, do vậy, 61% học sinh trung học theo đuổi ước mơ khởi nghiệp thay vì trở thành nhân viên ở một công ty nào đó, theo nghiên cứu mới đây của Anne Loehr.
Ngoài ra, công nghệ phát triển cũng giúp Gen Z có nhiều cơ hội hơn trong việc xây dựng sự nghiệp riêng, thay vì cắm cúi làm thuê cho công ty nào đó. Mạng xã hội TikTok được xem là mảnh đất của thế hệ Gen Z làm giàu với sự nổi lên của hàng loạt TikToker sở hữu hàng triệu người theo dõi. Do đó, ngày càng nhiều Gen Z đang đi theo xu hướng trở thành những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng xã hội, một công việc không gò bó về thời gian, quy định hành chính, có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện cá tính.
Và đương nhiên, công việc này cũng mang lại cho họ nguồn thu nhập khủng hơn rất nhiều so với việc làm thuê tại các doanh nghiệp. TikToker Gen Z Long Chun từng tiết lộ, thu nhập của anh mỗi tháng lên tới hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng.
Đó cũng là lý do mà nhiều Gen Z sẵn sàng nghỉ việc, tự tạo lập sự nghiệp riêng, thay vì nỗ lực bám trụ vào các nơi làm việc như thế hệ trước kia. Thế nhưng, điều này lại đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu khi thế hệ này đang chiếm 1/3 lao động của nền kinh tế thế giới.
Tìm cách hài lòng Gen Z
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Tăng trưởng Nền tảng GapoWork chia sẻ, Gen Z đặt ra yêu cầu với nhà tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn, bên cạnh mức lương, chế độ đãi ngộ hay môi trường làm việc, Gen Z còn rất thích những công ty mang tính high tech. Bởi họ sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn nở rộ công nghệ, bản thân họ cũng nâng chuẩn sử dụng công nghệ của mình.
“Tôi đã dự các cuộc phỏng vấn, khi hỏi ứng viên rằng có câu hỏi nào dành cho doanh nghiệp không. Ứng viên hỏi lại rằng doanh nghiệp đang sử dụng công cụ chat gì. Khi chúng tôi cho họ biết công cụ đang sử dụng, họ nói rằng rất thích nó và rất muốn được làm việc tại đây. Chúng tôi thấy rõ được sự khác biệt. Thế hệ chúng tôi, phần thích nghi, thích ứng, hòa nhập vào điều kiện sẵn có của doanh nghiệp nhiều hơn, nhưng Gen Z họ đòi hỏi cao hơn”, bà Lan Hương chia sẻ.
Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao của các ứng viên Gen Z với các doanh nghiệp, ông Đỗ Danh Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ Chuyển đổi Số và Chiến lược Công nghệ Thông tin Deloitte Việt Nam cũng cho biết, Gen Z là thế hệ năng động, thích làm việc trên môi trường thực tế ảo, vì vậy các doanh nghiệp nên sớm xây dựng digital workplace (không gian làm việc số), vừa giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm nhân viên và cũng là công cụ thu hút, giữ chân nhân tài.
“Gen Z đến công ty sẽ nhìn xem công ty có môi trường, công cụ đáp ứng nhu cầu của họ hay không, còn nếu ngày nào cũng bắt họ lên văn phòng ngồi 8 tiếng, 12 tiếng quanh bàn giấy thì đương nhiên họ cũng sẽ so sánh, cân nhắc”, ông Thanh nói.
Cũng theo các chuyên gia, khái niệm HRTech, tức ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ vào trong quá trình quản trị, tổ chức nhân sự trong doanh nghiệp vẫn là câu chuyện rất mới ở Việt Nam. Một khảo sát của Top CV cho thấy, mới chỉ 25% doanh nghiệp đang thực sự ứng dụng HRTech vào trong quản trị nhân sự của doanh nghiệp.
Câu chuyện nhân sự luôn là bài toán khó đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh nhân sự ngày càng cao khi các đối thủ không ngại tung chế độ đãi ngộ hấp dẫn để chiêu mộ nhân tài. Trong bối cảnh công nghệ số cùng với lực lượng Gen Z đang trở thành nguồn lao động chính, trong quản trị nhân sự, doanh nghiệp cũng không thể không đứng ngoài cuộc chơi công nghệ.
Áp dụng HRTech cũng khó khăn và tốn kém như áp dụng bất kì một công nghệ nào trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, những người đứng đầu cần cân nhắc chi tiết giữa cái được và cái mất khi áp dụng hoặc bỏ qua chúng để có quyết định cho phù hợp.