Nhà chính sách ngồi với startup tìm giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp
(DNTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện 4 bộ ngành và các bên liên quan, cùng có mặt tại Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp Quốc gia 2022, chiều 1/10, để tìm cách giải quyết thách thức startup đang gặp phải.
Startup, nhà đầu tư mong được gỡ khó
Năm 2021, Việt Nam đón nhận gần 1,5 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào thị trường khởi nghiệp. Đây là dòng vốn đầu tư lớn chưa từng có kể từ khi hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước được hình thành kể từ năm 2016.
Tuy vậy, so với khu vực và trên thế giới, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn non trẻ. Một trong những nguyên nhân là cơ chế chính sách của Việt Nam dù thời gian qua đã hỗ trợ khá tốt cho thị trường khởi nghiệp phát triển, nhưng vẫn cần hoàn thiện nhanh chóng để phù hợp với tình hình mới.
Cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện dẫn đến hoạt động startup, nhà đầu tư còn khó khăn trong hoạt động. Ông Phạm Quốc Dũng, đại diện ThinkZone Ventures cho biết, hiện đa phần các startup Việt vẫn còn khó khăn về vốn. Tuy nhiên, chính sách vẫn còn thiếu cơ chế để startup nhận vốn đầu tư nước ngoài hay các chính sách liên quan đến thoái vốn, rút vốn, chuyển vốn nhanh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Lê Đăng Khoa, đại diện quỹ đầu tư tư nhân LeGroup Ventures cũng nêu ví dụ, hiện các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đều tạo tạo ra cơ chế mở cung cấp visa, giấy phép lao động hợp pháp đẻ thu hút nhân tài công nghệ, chuyên gia tư vấn đến làm việc hợp pháp và dễ dàng, nhưng ở Việt Nam, cơ chế này còn khó khăn.
“Chúng tôi làm việc nhiều chuyên gia tư vấn công nghệ thế giới, họ rất muốn đến và làm việc tại Việt Nam hợp pháp nhưng họ khó khăn trong việc xin visa. Không phải chuyên gia nào cũng có thể làm việc 1-2 năm mà họ chỉ có thể làm việc 1-2 tuần rồi đi. Chúng tôi mong muốn có cơ chế cấp visa dễ dàng hơn cho các chuyên gia để tạo ra mảnh đất màu mỡ Việt Nam kết nối nhân tài Việt Nam bắt tay với tài năng khởi nghiệp thế giới để tạo ra startup tầm cỡ toàn cầu”, ông Khoa cho hay.
Nỗ lực từ phía nhà chính sách
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện bộ, ngành, đơn vị liên quan tham dự, lắng nghe ý kiến,kiến nghị của doanh nghiệp, để cùng tìm giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã nỗ lực xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp. Ví dụ như Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định những ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng các văn bản hướng dẫn ban hành còn chậm. Việc này cần đẩy nhanh vì khi xác định các tiêu chí của một doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay startup mới có thể xác định cơ chế hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nhân lực hay hợp tác đầu tư.
Hay Nghị định 38 quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ban hành năm 2018, ông Trần Duy Đông cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hơn, trình tự thủ tục nhanh hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp gia nhập thị trường và nắm bắt cơ hội. Bởi lẽ sau khi Nghị định 38 được ban hành, mới chỉ có 20 quỹ đầu tư được thành lập theo Nghị định này, với tổng quy mô 200 tỷ đồng. Đây là một con số còn khiêm tốn.
Liên quan đến quy định lao động làm việc tại nước ngoài hay người nước ngoài đến làm việc, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận quy định này tại các nước đang phát triển còn yếu.
“Tại Việt Nam, việc cấp phép cho lao động nước ngoài được quy định tại Nghị định 102. Các lao động của địa phương do UBND tỉnh cấp giấy phép, có nơi ủy quyền cho Giám đốc Sở, hay ban quản lý khu công nghiệp, làm sao cho thuận lợi nhất cho lao động nước ngoài vào làm việc. Các cấp chính quyền cần làm thật tốt các thủ tục cho người nước ngoài vào làm việc. Có chuyên gia được cấp phép làm việc trong 2 năm, nhưng sau 2 năm họ tiếp tục muốn làm việc tại Việt Nam thì vẫn còn khó khăn. Do đó, Nghị định này hiện Bộ Lao động đang rà soát lại để tiến tới sửa đổi”, thứ trưởng Dũng cho hay.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết Bộ này rất nỗ lực và luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành và cung cấp thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.
“Việt Nam hiện đang hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp kết nối hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như đối tác, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp. Các bạn hãy lên mạng, truy cập vào Cổng thông tin của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hay Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ở đó có đầy đủ thông tin về mạng lưới chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng như thông tin về chính sách liên quan có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Tùng cho hay.
Phát biểu Kết luận Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam là một nước đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, trải qua nhiều thăng trầm chiến tranh, xuất phát là nước rất nghèo. Chúng ta mất hơn 20 năm đổi mới mới lên được mức là nước có thu nhập trung bình thấp. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ 2015, Việt Nam đặt tăng trưởng trên 7%/năm. Tuy vậy, sau dịch, mục tiêu này ngày càng khó vì quy mô nền kinh tế ngày càng cao thì việc tăng trưởng càng khó.
“GDP Việt Nam tăng trưởng 7-8%/năm là áp lực, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững lại càng áp lực lớn hơn. Để làm được điều này, chúng ta phải làm kinh tế. Nhà nước không trực tiếp làm nhưng sẽ tạo điều kiện để tất cả mọi người có thể làm kinh tế một cách liêm chính, để từng người, từng gia đình, từng doanh nghiệp và cả Việt Nam phải giàu lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.