Cuộc cạnh tranh giữa các ‘vùng trũng’ khởi nghiệp: Việt Nam có đang chậm chân?
(DNTO) - Mặc dù 1,4 tỷ USD rót vào thị trường khởi nghiệp năm 2021 là con số khủng, nhưng so với các thị trường lớn trong khu vực như Singapore hay Indonesia, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. Đó là chưa kể sự cạnh tranh đến từ một số thị trường khởi nghiệp mới nổi như Philippines, Malaysia.
Cuộc đua thu hút vốn mạo hiểm
Vốn được xem là một trong những ‘vùng trũng’ khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á, trong năm 2021, startup Việt Nam thu hút tới 1,4 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm, chiếm 13% lượng vốn đầu tư trong khu vực. Đây là một con số kỷ lục, đánh dấu sự phát triển của thị trường khởi nghiệp sau 2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, theo báo cáo của NIC và Do Ventures.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô vốn đầu tư so với 2 quốc gia dẫn đầu là Singapore thì tổng số vốn mạo hiểm ‘chảy’ vào Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, trong năm 2021, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Singapore chiếm 33%, gấp 2,5 lần Việt Nam; Indonesia chiếm 41%, gấp hơn 3 lần Việt Nam.
Như vậy, dù đứng ở vị trí thứ 3 trong khu vực về thu hút đầu tư mạo hiểm, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với hai kẻ dẫn dầu. Chưa kể, một số thị trường khởi nghiệp mới nổi như Philippines, Malaysia cũng đang tăng sức hấp dẫn của mình.
Trong năm ngoái, dòng vốn rót vào Philippines chiếm 6% tổng vốn đầu tư trong khu vực (tăng từ mức 2% năm 2019), Malaysia chiếm 4% (tăng từ mức 3% năm 2019). Cùng với các nước trên, Philippines và Malaysia hay Thái Lan cũng được nhận định là có nhiều tiềm năng nuôi dưỡng các kỳ lân (startup tỷ đô) nhờ nhân khẩu học trẻ, khả năng áp dụng công nghệ mới nhanh chóng.
Trong làn sóng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, các quốc gia trong khu vực đang đẩy mạnh việc cải cách thể chế để nuôi dưỡng startup, đồng thời thu hút các startup bên ngoài biên giới.
Một trong những nước đi đầu phải kể đến Singapore. Năm 2021, Singapore đã lần đầu tiên lọt Top 10 Hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất thế giới, tăng 6 bậc so với năm trước. Sự thống trị của Grab là một ví dụ điển hình cho thấy sự lớn mạnh của các startup Singapore.
Singapore cũng trở thành đại bản doanh cho nhiều startup trên thế giới tề tựu. Kỳ lân Việt Nam là Sky Mavis cũng đặt trụ sở tại Singapore; Tiki cũng dự kiến chuyển nhượng 90,5% cổ phần cho Công ty Tiki Global tại Singapore. Điều này đánh lên hồi chuông trong việc giữ chân startup cũng như thu hút startup ngoài biên giới của các thị trường khởi nghiệp trong khu vực.
Cần gấp cơ chế đặc thù
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Singgapore, Indonesia, Thái Lan, hay Malaysia đã và đang có nhiều chính sách thông thoáng, cởi mở hỗ trợ startup phát triển và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, thì Việt Nam cũng không thể chậm chân.
Bởi các startup tiềm năng của Việt Nam cũng sẽ không ngần ngại đặt chân ra nước ngoài, nếu hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước không đủ nguồn lực cho họ phát triển. Việc này đã xảy ra chứ không chỉ còn là dự đoán.
“Nếu chỉ chú trọng chăm sóc cho một phần của hệ sinh thái như huấn luyện đào tạo, tạo sự kiện, sân chơi, nhưng khi startup lớn lên không có cơ chế, chính sách đặc thù để họ có thể vươn cánh bay xa thì họ sẽ phải tìm đường bay đi. Đó là quy luật tất yếu mà nước nào cũng phải đối mặt.
Hiện nay, sau khoảng gần 10 năm gây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhiều đề án của Chính phủ được triển khai, đã có lứa startup trưởng thành cao hơn, đồng thời cần tạo nguồn cho thế hệ mới, thì cần có cơ chế đặc thù, tạo nguồn vốn đa dạng…, cần sự vào cuộc hơn nữa.
Singapore một năm có vài cơ chế sandbox chính sách để thích ứng ngay để thu hút nguồn lực và tài năng. Rất nhiều người Việt và nhà đầu tư chọn Singapore là địa điểm tốt, vậy tại sao? Vì vậy cần nghiên cứu cách làm của họ để thử nghiệm tại Việt Nam. Còn nếu một cơ chế mất vài năm thì có thể mất cơ hội, không còn cần sự đặc thù nữa. Điều này cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng, người tư vấn chính sách để tạo mội trường thuận lợi trong cuộc đua thu hút startup và nhà đầu tư”, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đặt vấn đề.
Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng cho rằng trong việc tạo lập một môi trường khởi nghiệp phát triển, chính sách quyết định rất lớn. Rất nhiều quốc gia như Israel – một trong 3 hệ sinh thái hàng đầu thế giới, ngay từ rất sớm đã có rất nhiều sáng kiến thu hút nhân tài, tập trung phát triển khoa học công nghệ, tạo ra thung lũng thu hút công nghệ.
Hay một số nước như Phần Lan đưa ra visa cư trú khởi nghiệp, để thu hút startup quốc tế đến sống, làm việc. Do vậy, theo ông Thắng, khi nói đến một môi trường thuận lợi, tức là nói đến việc thu hút nguồn lực, ở đây là nguồn lực startup và nhà đầu tư.
“Hiện Việt Nam cũng đang làm khá tốt trong việc khơi thông hành lang pháp lý cho khởi nghiệp, tuy nhiên, ở góc độ nào đó cần nhanh hơn. Vì chính sách hôm nay có thể tốt nhưng mai có thể không phù hợp, nếu dừng quá lâu ở một vấn đề nào đó, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thì không còn phù hợp với hệ sinh thái trong khu vực và thế giới.
Đây là thiệt thòi cho Việt Nam khi startup không thể tiếp cận với nguồn lực. Vì vậy tôi mong rằng tới đây sẽ có nhiều thử nghiệm, sáng kiến được áp dụng kể cả ở cấp địa phương, ở lĩnh vực hay ngành nào đó để tạo điều kiện cho startup tiếp cận với nguồn lực xã hội”, ông Thắng cho hay.