Nhiều startup ‘chết’ vì chạy theo blockchain
(DNTO) - Chia sẻ trong Lễ Công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam, sáng 21/4, đại diện các quỹ đầu tư đã có những nhận định về thị trường khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2021.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc điều hành Quỹ VIISA, hiện đang rót vốn cho hơn 40 công ty, cho biết trong đại dịch, những doanh nghiệp công nghệ có cơ hội bứt phá rất lớn, tăng trưởng hàng trăm lần. Ngược lại, trong danh mục đầu tư của VIISA, cũng có doanh nghiệp rất khó khăn.
Với startup Việt Nam, theo ông Đức, một trong những vấn đề của founder là sự mất tập trung, khi nhìn thấy quá nhiều xu hướng khác nhau đang xảy ra, khi đó họ không kiên định với con đường đã chọn từ đầu, vì vậy khi gặp khó khăn rất dễ thay đổi.
“Năm 2021, làn sóng blockchain và metaverse đã khiến nhiều founder bỏ startup cũ và chạy theo làn sóng blockchain. Mặc dù phát triển rất nhanh nhưng đến hiện tại nhiều dự án đã thất bại. Theo thống kê, ở Đông Nam Á, để trở thành kỳ lân mất trung bình 8,3 năm. Việc này đòi hỏi sự kiên định, nhất là sự nghiệp một người phải mất hàng chục năm”, ông Đức cho hay.
Ngoài ra, theo nhà đầu tư này, câu chuyện làm sao tạo ra một môi trường thân thiện để hỗ trợ startup phát triển cũng cần được bàn tới. Vì startup giống như đứa trẻ mới sinh, cần được chăm bẵm, chiều chuộng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước, tinh thần hỗ trợ cho startup cần giống như “bố mẹ nuôi con”, tức dành những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ họ nuôi dưỡng và phát triển ý tưởng của mình.
“Startup ban đầu thường rất vất vả, đi sang bên trái gặp vấn đề pháp lý, đi sang bên phải gặp sự cạnh tranh, đằng trước không có sự hỗ trợ về nguồn vốn. Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Kế hoạch Đầu tư có 2.000 tỷ, trong khi quỹ VIISA chỉ có 120 tỷ, nếu quỹ này có thể hỗ trợ startup thì rất tuyệt vời”, ông Đức cho hay.
Nhận định về thị trường khởi nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hiếu Linh, Giám đốc Quốc gia Quỹ eWTP, quỹ hiện đang đầu tư cho 4 công ty ở Việt Nam và 20 công ty trong khu vực cho biết, từ năm 2017, các doanh nghiệp gọi vốn vòng sau (series B trở đi) tại Việt Nam tăng lên đáng kinh ngạc.
“Khó khăn, thuận lợi của quỹ gắn liền với buồn vui của những người sáng lập startup. Trong quá trình deal online, chúng tôi ví von là hẹn hò trực tuyến, mặc dù có hiệu quả, có thể làm được nhưng không thể thích bằng hẹn hò bình thường vì vẫn cần sự tương tác của con người. Nhất là giai đoạn sau, khoản đầu tư lớn, thì cần sự đánh giá rất lớn về mặt con người, cảm xúc, sự hòa hợp giữa con người với con người nếu qua online thì rất khó để giải ngân. Tuy vậy, trong năm 2021, mặc dù nhiều quỹ nước ngoài không thể đến Việt Nam nhưng vẫn rót vốn, đây là điều tuyệt vời”, ông Linh nhận định.
Cũng theo đại diện Quỹ eWTP, có những ngành ở Việt Nam có thể đứng đầu thế giới, như gaming, doanh thu bỏ xa tất cả các nước trong khu vực. Nhưng cũng có ngành, doanh nghiệp đầu ngành ở Việt Nam chỉ bằng ¼ nước khác. Điều này thể hiện hạ tầng xã hội, văn hóa kinh doanh và nguồn lực từng nước.
Đặc biệt, ở giai đoạn sau, founder thường cân bằng giữa quy mô và lợi nhuận vì càng ngày, các doanh nghiệp ở Đông Nam Á càng chịu nhiều sức ép về IPO (chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng). Khi công ty đạt được tăng trưởng ở mức độ nhất định, nếu không IPO sẽ gây khó khăn cho việc giữ quy mô công ty, nguồn vốn đổ vào startup khó có thể tăng trưởng.
“Ở Việt Nam, công ty giai đoạn lớn hơn thường cân bằng giữa quy mô và lợi nhuận, hoặc có thể startup chưa có lợi nhuận ngay nhưng điều kiện để mô hình kinh doanh để đạt được lợi nhuận đang được đặt trọng tâm để tiến tới khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư”, ông Linh chia sẻ.
Nhà đầu tư này cũng đồng ý với quan điểm Chính phủ nên có quỹ để hỗ trợ startup gần đạt đến giai đoạn kỳ lân nhưng đang bị gãy về dòng tiền. Bởi startup nếu phá sản vì sai mô hình kinh doanh là một lẽ, nhưng nếu họ phá sản vì thiếu vốn sau vài năm thì sẽ rất đau xót.