Đầu tư tác động tại Việt Nam chưa phát triển do vẫn bị coi là… ‘gánh nặng’
(DNTO) - Việc vừa phải đảm bảo sự sinh sôi của dòng tiền, vừa phải mang lại tác động xã hội khiến ngành đầu tư tác động tại Đông Nam Á và Việt Nam chưa phát triển.
Dòng vốn đầu tư tác động chưa ‘hạ cánh’
Đầu tư tác động được hiểu là những khoản đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư hay các công ty quản lý quỹ, không chỉ nhằm mục đích đạt được lợi nhuận mà còn đạt được những mục đích khác như xã hội hay môi trường.
Ước tính của GIIN về quy mô đầu tư tác động toàn cầu năm 2019 cho thấy, có khoảng 1.720 tổ chức tham gia đầu tư, với tổng giá trị đầu tư khoảng 715 tỷ USD. Tuy vậy, tại khu vực ASEAN hiện mới chỉ tiếp nhận 6% tổng vốn đầu tư toàn cầu.
Chia sẻ về việc khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng còn thiếu hấp dẫn dòng vốn đầu tư tác động, TS Trần Lương Sơn, đồng sáng lập Quỹ đầu tư tác động Planet Impact Capital cho biết, hiện tại đầu tư tác động vẫn bị coi là “gánh nặng”, các nhà đầu tư cho rằng họ sẽ phải hi sinh lợi nhuận để đảm bảo mục tiêu tạo tác động với xã hội. Những lầm tưởng này khá phổ biến dẫn đến việc đầu tư tác động tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng còn chậm phát triển.
Một nguyên nhân khách quan khác cũng cản dòng vốn đầu tư tác động chảy về Đông Nam Á chính là vì điều kiện kinh tế - xã hội.
Theo ông Sơn, mặc dù Việt Nam được xem là thị trường khởi nghiệp khá sôi động nhưng dòng vốn đầu tư tác động vẫn ưu tiên đổ về cho khu vực châu Phi, Nam Á do đây là những nơi có tình trạng chính trị xã hội nhiều biến động, đời sống người dân còn thấp nên các quỹ đầu tư mong muốn giúp khu vực này giải quyết sớm tình trạng trên. Còn với khu vực Đông Nam Á, các quỹ đầu tư cũng cho rằng đây là khu vực năng động nên họ có khả năng tìm hướng đi cho mình.
Startup chưa đủ hấp dẫn
Việc dòng vốn đầu tư tác động chưa đến Đông Nam Á, ngoài nguyên nhân khách quan kể trên, nguyên nhân chủ quan do chính các startup chưa đủ sức hút.
Ông Thân Thế Hào, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Thuận Thiên, đơn vị phát triển nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết bài toán xã hội cho biết, việc kêu gọi vốn đối với Thuận Thiên khá khó khăn.
“Chúng tôi đã đi gõ cửa rất nhiều tổ chức phi chính phủ, các quỹ đầu tư tạo tác động xã hội nhưng đều không hiệu quả do yêu cầu phức tạp, thủ tục rườm rà, quy trình giải ngân phức tạp nên chúng tôi không mặn mà. Trong khi đó, sản phẩm của chúng tôi không còn ở giai đoạn sản xuất đơn lẻ mà đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, cần nguồn vốn rất lớn. Vì vậy chúng tôi buộc phải tiếp cận nhà đầu tư cá nhân, quy trình đơn giản hơn”, ông Hào cho biết.
Cũng theo TS Trần Lương Sơn, hiện 80% cơ hội đầu tư tác động tại ASEAN thuộc giai đoạn sớm (seed hoặc series A). Đây là một rủi ro cho nhà đầu tư vì startup còn chưa vững vàng. Ngoài ra, startup thiếu quản lý chuyên nghiệp, việc tiếp cận đầu tư vẫn theo phương thức kết hợp tài chính với các hoạt động hỗ trợ.
“Khi tôi mới tham gia vào đầu tư tác động, công ty mà tôi tham gia họ thất vọng về thị trường Việt Nam. Vì họ thấy là các doanh nhân không sẵn sàng học tập, không sẵn sàng thay đổi. Các quỹ đầu tư nước ngoài họ sẽ không đủ kiên nhẫn với startup. Đó là lý do chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian để hỗ trợ startup, vì họ quá tập trung vào công nghệ, nghiên cứu mà không tập trung vào các vấn đề kinh doanh, nhân sự hay tài chính”, ông Sơn cho hay.
Còn theo ông Đặng Bảo Khánh, nhà đầu tư tại Quỹ đầu tư tạo tác động Planet Impact Capital, những năm gần đây, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam rất sôi động và Việt Nam vẫn được xem là vùng trũng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Ở giai đoạn sớm, startup tạo tác động xã hội có thể rất khó khăn khi thu hút vốn, có thể chấp nhận phải đi vay, pha loãng cổ phần. Tuy nhiên, việc gọi vốn chỉ là một phần, quan trọng nhất là mô hình kinh doanh chứng minh được hiệu quả.
“Khi mô hình chứng minh được hiệu quả thì không chỉ một quỹ mà thậm chí nhiều quỹ nhảy vào cạnh tranh với nhau để có startup. Còn nếu startup gặp rất nhiều quỹ mà vẫn không gọi được đầu tư thì không phải do họ mà có thể do startup có vấn đề. Vì vậy, trong vòng đời khởi nghiệp, bất cứ khi nào cũng có thể huy động được vốn đầu tư”, ông Khánh cho hay.