Doanh nghiệp của người khuyết tật: Vật lộn để sống giữa ‘đại dương đỏ’
(DNTO) - Thiếu các nguồn lực quan trọng để phát triển giữa thị trường cạnh tranh (đại dương đỏ), trong khi không đủ khả năng khai thác lĩnh vực mới (đại dương xanh), nhiều doanh nghiệp của người khuyết tật khó khăn khi tồn tại giữa mùa Covid-19.
Khó khăn chồng khó khăn
Ra đời từ năm 2015 với mục đích hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải trải qua quãng thời gian rất khó khăn để tìm kiếm và thuyết phục lao động là người khuyết tật tham gia làm việc. Sau đó là khó khăn trong tìm kiếm ngành nghề phù hợp với thị trường nhưng cũng phải phù hợp với người khuyết tật để họ làm được.
Bắt đầu với việc sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ, hợp tác xã mở rộng thêm nhiều ngành nghề kinh doanh sản xuất: May mặc, cửa hàng photocopy, làm than sạch thân thiện môi trường và trồng nấm sò, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động trực tiếp và 40 lao động làm việc tại nhà.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến khiến việc kinh doanh của Hợp tác xã Trái Tim Hồng khó khăn. Tổ làm than sạch phải đóng cửa vì các nhà hàng, quán ăn dừng hoạt động. “Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện giấy tờ để trong thời gian tới có thể xuất khẩu than sang Nhật Bản, Hàn Quốc”, bà Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng nói.
Còn theo ông Lê Việt Cường, người đồng sáng lập 2 doanh nghiệp dành cho người khuyết tật là KymViet và Vụn Art (cung cấp các sản phẩm tái chế từ vải vụn) cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp xã hội là không có đủ tài chính để chiêu mộ các nhân sự tốt, ở những vị trí quan trọng như quản trị, tài chính, phát triển sản phẩm… vì vậy, hoạt động kinh doanh không thể bứt phá.
“Khi chúng tôi xuất một đơn hàng cho doanh nghiệp của người khuyết tật tại Ohio Mỹ, họ không tin rằng một sản phẩm khá ổn như của chúng tôi mà doanh thu năm 2020 chỉ có 1,8 tỷ đồng. Trong khi doanh nghiệp của họ chỉ có 22 người khuyết tật làm việc nhưng doanh thu đạt tới 17 triệu USD/năm. Doanh nghiệp đó được sự hỗ trợ của bang Ohio và các tổ chức khởi nghiệp, có sự tham gia của quỹ đầu tư để trả lương cho nhân viên, hỗ trợ vận hành doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Vì vậy, theo ông Cường, sự hỗ trợ của các tổ chức liên quan rất quan trọng với doanh nghiệp của người khuyết tật. Bởi ngay cả một người đã có 10 năm kinh nghiệm khởi nghiệp như ông Cường, nhưng hiện năng lực quản trị doanh nghiệp, kinh doanh còn rất yếu. Trong khi đó, doanh nghiệp của người khuyết tật không nên mở ra chỉ để xin các dự án tài trợ hoặc từ thiện, vì sẽ không thể đi xa và không phát triển bền vững.
“Ngay cả khi kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè, tôi cũng nói rõ rằng tôi không xin, thay vào đó họ hãy sử dụng sản phẩm của người khuyết tật, có thể ban đầu chưa hoàn thiện nhưng khi có sự hỗ trợ của chuyên gia, nghệ nhân, tay nghề của người khuyết tật cũng tốt hơn và đủ sức cạnh tranh”, ông Cường cho hay.
Khó hấp dẫn nhà đầu tư
Theo ông Trần Lương Sơn - Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Tác động Planet Impact Capital (PIC), các doanh nghiệp của người khuyết tật hiện vẫn là doanh nghiệp siêu nhỏ, mô hình và sản phẩm kinh doanh truyền thống, vẫn hoạt động riêng lẻ, thiếu sự kết nối với nhau.
Trong khi các quỹ đầu tư mong muốn tiền vốn bỏ ra phải sinh lời, thậm chí sinh lời nhiều, kể cả những quỹ đầu tư tác động như PIC, họ vẫn là những nhà đầu tư thuần túy, nên ngay cả doanh nghiệp tạo tác động xã hội (sức khỏe, giáo dục, người khuyết tật, phụ nữ) đa phần các nhà đầu tư cũng không mặn mà.
Thay vào đó, PIC hứng thú với doanh nghiệp có thể tạo tác động môi trường vì đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời và cạnh tranh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường rất đột phá, mới lạ nên hệ số tăng trưởng cao, dễ dàng lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư.
“Đối với doanh nghiệp của người khuyết tật, chúng tôi có thể hỗ trợ về mặt tư vấn, đào tạo, hay giúp doanh nghiệp kết nối với các nguồn lực khác để phát triển hay các nhà đầu tư tiềm năng”, ông Sơn cho hay.
Nhu cầu tìm nguồn lực, tìm nguồn vốn đầu tư với doanh nghiệp của người khuyết tật luôn cấp thiết, nhưng chưa bao giờ dễ dàng. Lương Thị Kiều Thúy – người sáng lập tiệm Giặt Là Sáng cho biết, tháng 11/2020, dự án được kết nối với nhà đầu tư của Italy. Ngay từ khi bắt đầu thuyết trình, Thúy cho biết cố gắng lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư và cân bằng lợi ích của đôi bên để hướng tới việc hợp tác. Tuy nhiên, những thay đổi của nhà đầu tư sau đó gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Cùng với việc là một người khiếm thính, việc giao tiếp giữa Thúy với nhà đầu tư cũng khó khăn. Cô gái này cho biết, đôi lúc cô cảm nhận được nhà đầu tư khó chịu với mình. Để giải quyết vấn đề này, Thúy tìm đến sự hỗ trợ của hai người cố vấn chuyên nghiệp để gặp gỡ nhà đầu tư. Cuối cùng, Giặt Là Sáng cũng nhận được cái gật đầu của nhà đầu tư.
“Sau bài học đó, tôi nhận ra rằng mình phải học hỏi nhiều hơn, phải xác định làm kinh doanh cần có nhiều kiến thức và gạt bỏ tư duy một người khiếm thính làm kinh doanh, vì nếu coi mình là người khuyết tật thì sẽ rất nhạy cảm và đôi khi khiến mình mất nhiều thứ”, Thúy chia sẻ.
Dựa vào nguồn lực nội sinh
Trong khi khó có thể tìm đến các “đại dương xanh” hay chờ sự hỗ trợ của các nguồn lực bên ngoài, thì trong chính “đại dương đỏ”, doanh nghiệp người khuyết tật phải "tự lực cánh sinh”, tận dụng tối đa các nguồn lực của mình.
Bà Hoàng Thu Phương, giảng viên CFVG (đào tạo quản lý, marketing, thương hiệu) cho biết, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung nâng cao tay nghề, chuyên môn cho người lao động để tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn nữa, đáp ứng cho nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài ra, có thể khai thác khía cạnh nhân văn của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu để thu hút, thuyết phục, tạo sự đồng cảm của cộng đồng, khách hàng, đối tác và nhà tài trợ, thu hút thêm nhiều nguồn lực để kinh doanh.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải tìm cách liên kết với những doanh nghiệp khác có sản phẩm, dịch vụ cùng tệp khách hàng mục tiêu, cùng thị trường mục tiêu, cùng bán trên những kênh khác nhau hay trên những phương tiện truyền thông có thể ủng hộ, nâng đỡ lẫn nhau.
“Doanh nghiệp khởi nghiệp phải làm rất nhiều thứ mà không phải cái gì họ cũng biết. Có doanh nghiệp thế mạnh về bán hàng, thương mại điện tử, có doanh nghiệp thế mạnh về sản xuất, làm thương hiệu… nên phải nghĩ đến việc hợp tác thông minh để tạo kết nối theo chiều sâu, tận dụng nguồn lực của nhau”, bà Phương cho biết.
Việt Nam có hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Trong đó, chưa đầy 1/3 người khuyết tật có việc làm. Người khuyết tật ít có cơ hội việc làm so với người bình thường.
Tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên có việc làm là 31,7%, trong khi tỷ lệ này ở người bình thường cao gấp 2,5 lần, lên tới 82,4%.
(Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê)