Doanh nghiệp tư nhân tìm cách gỡ khó, giảm ảnh hưởng của đại dịch
(DNTO) - Qua 2 năm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, một số doanh nghiệp tư nhân ở Khánh Hòa đã phải tạm dừng hoạt động, hoặc sản xuất kinh doanh trong khó khăn.
Đại dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Khánh Hòa. Tổ chức đảng ở khối doanh nghiệp này linh đoạt điều hành, phát huy vai trò của đảng viên trong sản xuất, kinh doanh, thích ứng với đại dịch.
Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát tại tỉnh Khánh Hòa, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.500 ca dương tính với SARS-CoV-2. Thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh vừa kéo dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. Việc thực hiện giãn cách xã hội khiến sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn.
Ông Nguyễn Tấn Thoại, Bí thư Chi bộ Khối Kinh tế ngoài khu vực ngoài Nhà nước huyện Vạn Ninh cho biết, Chi bộ có 23 đảng viên, trong đó, có rất nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương. Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, người lao động mất việc làm. Trong các buổi sinh hoạt, các đảng viên đã chia sẻ kinh nghiệm, giảm chi phí sản xuất, đồng thời kết nối, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
“Ban Thường vụ huyện ủy cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của các doanh nghiệp. Qua 2 năm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, một số các doanh nghiệp tư nhân đã tạm dừng hoạt động, khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Có nhiều cơ sở doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không đủ ngân sách để trả lương, tuyển dụng công nhân. Mong muốn của họ chính là cần Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ”, ông Thoại chia sẻ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa khi lượng khách du lịch quốc tế không còn. Năm 2021, dịch bệnh diễn biến rất khó lường, nhiều biện pháp mạnh được áp dụng khiến việc cung ứng nguyên liệu, tổ chức lực lượng lao động để sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trong lúc này, nhiều doanh nghiệp linh hoạt tìm hướng đi mới để phù hợp nhu cầu thị trường, duy trì việc làm cho người lao động. Chuyển đổi số, thương mại điện tử được xem là giải pháp để khơi thông chuỗi cung ứng.
Ông Lương Thế Hùng, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mê Trang cho biết, công ty có hơn 60 đảng viên, sinh hoạt tại 3 Chi bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh, Đảng bộ đã lãnh đạo chuyển hướng trọng tâm từ thị trường trong nước sang xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu được 9 container cà phê thành phẩm. Nhờ vậy, công ty đã duy trì được việc làm cho người lao động. Đảng bộ đã kêu gọi các đảng viên nêu cao trách nhiệm, tinh thần vượt khó, tập trung sản xuất để đáp ứng tiến độ các hợp đồng đã ký.
“Một số anh em đảng viên có nhiều lý do như nhà xa, con nhỏ hay nhà neo người muốn về nhưng đảng bộ đã động viên tinh thần cho anh em ở lại nhà máy để sản xuất, kịp tiến độ đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ. Việc khuyến khích anh em xung phong ở lại nhà máy để làm việc và thi đua tăng gia sản xuất vừa kịp cho xuất khẩu, vừa đảm bảo đồng lương thu nhập cho anh em”, ông Hùng kể.
Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa hiện có 81 tổ chức cơ sở đảng, trong đó, có 53 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, với gần 4.000 đảng viên. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu toàn khối chỉ đạt hơn 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chỉ tiêu nộp ngân sách cũng sụt giảm tương ứng, chỉ đạt hơn 2.400 tỷ đồng.
Ông Trần Xuân Lãm, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa cho biết, Đảng ủy Khối đề nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh, ngân hàng… tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tái cơ cấu, đổi mới thiết bị để ổn định sản xuất.
“Đảng ủy Khối, các Ban xây dựng đảng của tỉnh ủy, các tổ chức được tỉnh ủy phân công được tỉnh ủy tiếp tục tuyên truyền đến các chủ doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn, quần chúng để họ nhận thức được. Khi có tổ chức Đảng, hàng tháng, hàng quý, hàng ngày kịp thời nắm bắt được thông tin, chính sách của Đảng, Nhà nước để họ về áp dụng, điều hành linh hoạt, phát triển ngày càng mạnh hơn”, ông Lãm nói.
Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của các tổ chức đảng cũng như của các doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa. Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tìm tiếng nói chung trong thực hiện các giải pháp, thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
“Các nhà máy, các khu công nghiệp, các công trường lớn, với tinh thần đảm bảo “3 tại chỗ”, đảm bảo “hai cung đường, 1 điểm đến”. Những doanh nghiệp nhỏ, lẻ, nếu không tổ chức được cho công nhân làm việc theo tinh thần “3 tại chỗ” sẽ kiên quyết đóng cửa, có như vậy thì mới đảm bảo được công tác phòng dịch”, ông Tuấn chỉ rõ.