Túi nghìn đô để đựng thỏi son, các thương hiệu lớn đang ‘móc ví’ người dùng ra sao?
(DNTO) - Đằng sau giá bán “trên trời” của những món đồ tưởng chừng như “vô dụng”, là bài học về chiến lược xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Năm 2019 - 2020, làng thời trang đón nhận sự trở lại của những túi xách siêu nhỏ với “phát súng” đầu tiên là mẫu túi Le Sac Chiquito của hãng Jacquemus. Sau đó hàng loạt các ông lớn làng mốt đồng loạt vào cuộc như hãng Valentino với mẫu mini bag, đến phiên bản bánh mì “baguette” thu nhỏ của Fendi; chiếc túi cổ điển size nhỏ của Chanel, đến mẫu túi mini speedy của Louis Vuitton, hay dòng túi Saddle của Dior…
Đối với một người tiêu dùng bình thường, chắc chắn không ai bỏ ra vài chục đến hàng trăm triệu đồng chỉ để sở hữu một chiếc túi nhỏ bằng bàn tay. Thế nhưng, những chiếc túi tí hon này vẫn được một nhóm khách hàng là ngôi sao, fashionista săn đón nồng nhiệt, dù mức giá của những sản phẩm này khá “chát” (khoảng 800 USD cho mẫu Louis Vuitton speedy, hay khoảng 15.000 bảng cho mẫu Hermes Birkin).
Thực tế này vẫn tiếp tục diễn ra trên thị trường với sự xuất hiện của viên gạch xây dựng với giá 30 USD/viên mang thương hiệu của Supreme; túi giấy có giá 290 USD của nhà thiết kế Jil Sander; hay túi lọc trà kim cương 10.000 USD ra mắt trong dịp kỉ niệm 75 năm sinh nhật của hãng PG…
Một chuyên gia marketing cho rằng, có rất nhiều xu hướng trong tiêu dùng. Có những nhóm người tiêu dùng chỉ quan tâm đến công năng, chất lượng, giá cả của sản phẩm. Nhưng cũng có nhóm người sẽ chỉ chú ý đến mẫu mã, thương hiệu của sản phẩm.
Vì vậy, dù biết rõ rằng có những sản phẩm tưởng chừng như “vô dụng”, nhưng do được sản xuất bởi các thương hiệu nổi tiếng, họ cũng sẵn sàng móc hầu bao. Bởi đối với nhóm khách hàng này, họ lựa chọn sản phẩm do giá trị thương hiệu mang lại chứ không phải giá trị công năng của sản phẩm.
Nhận định này càng đúng khi nhìn sang ví dụ của chiếc bánh Oreo Supreme ra mắt hồi đầu năm ngoái, với giá công bố ban đầu 8 USD/gói. Dù chưa biết mùi vị ra sao, nhưng vì có thêm “mác” của Supreme, những gói bánh này đã được thổi giá lên hàng trăm lần. Ở một số ứng dụng, gói bánh Oreo Supreme được bán với giá 200 USD (4,6 triệu VNĐ), thậm chí từng được rao bán với giá 23.300 USD tại eBay, theo trang Delish.
Đương nhiên, chất lượng của những sản phẩm được sản xuất bởi các thương hiệu lớn đều đảm bảo, do các hãng đều có quy trình sản xuất nghiêm ngặt và chính chất lượng sản phẩm đã giúp tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp.
Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, ở chiều ngược lại, thương hiệu cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp các sản phẩm của doanh nghiệp bán ra dễ dàng hơn, với giá tốt hơn.
Chính Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Cenland Group) cũng từng chia sẻ trên chương trình Shark Tank mùa 3 rằng, “nếu bạn muốn bán đắt thì phải có thương hiệu”.
Và các thương hiệu lớn, khi họ đã xây dựng được tên tuổi, đương nhiên họ hiểu rất rõ điều này và tận dụng triệt để giá trị mà thương hiệu mang lại. Đó cũng là lý do các hãng thời trang xa xỉ sẵn sàng đốt, hủy những sản phẩm tồn kho có giá hàng ngàn USD chứ không chịu bán rẻ.
Do vậy, đằng sau về những món đồ tưởng chừng “vô dụng” được hét giá “trên trời”, chính là câu chuyện về chiến lược xây dựng thương hiệu vô cùng thành công mà doanh nghiệp nên áp dụng.