Quán cơm từ thiện Hoa Tâm: Nơi gặp gỡ của những tấm lòng thiện nguyện
(DNTO) - Mỗi người đều có những gánh lo riêng với công việc điều hành và quản lý của mình, thế nhưng, mỗi khi có chút thời gian rảnh, họ lại đổ mồ hôi công sức và giờ nghỉ ngơi của mình vào quán cơm từ thiện có tên gọi Hoa Tâm, tọa lạc tại số 165 Xóm Chiếu, phường 16, quận 4, TP. HCM.
Thời gian gần đây, những người lao động nghèo như chú xe ôm, bác bảo vệ, cô lao công, người bán vé số…, ở khu vực quận 4, đã quen thuộc với quán cơm từ thiện Hoa Tâm nằm trên con đường Xóm Chiếu.
Quán nằm ở mặt tiền đường dễ tìm thấy, nhưng khách hàng của quán hầu hết là những người khốn khó, bởi mỗi đĩa cơm ăn tại đây hay hộp cơm đưa mang về cũng chỉ đồng giá 2.000 đồng, chưa bằng 1/10 so với giá tiền của một hộp cơm thông thường.
Mặc dù giá bán mỗi phần cơm chỉ mang tính tượng trưng, nhưng chất lượng của bữa ăn luôn được đảm bảo với các món chay và món mặn xếp dài thành hai dãy trên kệ. Những món ăn này được chính tay đầu bếp Nguyễn Hào cùng các cộng sự chung tay thực hiện. Mỗi ngày, anh Hào và các nhân viên phục vụ (phần lớn là những thanh niên tình nguyện) dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị đi chợ, vo gạo, gọt rau củ quả và chế biến các món ăn một cách tinh tươm.
Chị Phan Thảo Phương và anh Quảng Nhật – đồng sáng lập quán cơm từ thiện Hoa Tâm, cho biết: “Trước đây, chúng tôi có một nhóm chuyên đi phát đồ ăn cho những người lang thang, cơ nhỡ tại TP.HCM mỗi tháng một lần. Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ thi thoảng làm như vậy thì sẽ không giúp đỡ được nhiều và không lâu dài. Do đó, chúng tôi cùng họp lại đưa ra quyết định hùn tiền để mở quán cơm từ thiện phục vụ người nghèo, để ngày nào họ cũng có thể đến đây ăn. Thế là quán cơm từ thiện Hoa Tâm ra đời”.
Để những người đến ăn không ngần ngại hay mặc cảm, quán cơm từ thiện Hoa Tâm thu một mức giá tượng trưng 2.000 đồng cho mỗi phần ăn tươm tất. Số tiền này nói như cô bán vé số, bà lượm ve chai, chú lái xe ôm là không đủ để mua một que kem, ly nước cam hay bịch nước mía giữa lòng thành phố. 2.000 đồng không đủ để làm gì hết, nhưng nó trở thành một sợi dây vô hình kết nối thật tinh tế giữa người cho và người nhận khiến họ cảm thấy tự nhiên, thoải mái.
“Chúng tôi muốn giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm ngon mà không phải lo về giá cả. Những bữa ăn 2.000 đồng như thế này sẽ giúp họ vơi bớt đi các gánh nặng, nỗi lo về kinh tế”, chị Thảo Phương giải thích.
Điều đáng trân quý là cả Thảo Phương và Quảng Nhật đều không phải là những tỉ phú hay doanh nhân có điều kiện kinh tế giàu thật giàu. Cũng như bất kỳ ai trong cuộc đời này, cả hai đều có những gánh nặng mưu sinh, chăm lo cho những người thân trong gia đình.
Là quản lý của của các phòng ban trong doanh nghiệp, công ty, thời gian thảnh thơi của Quảng Nhật hay Thảo Phương đều rất hiếm hoi nhưng bằng tất cả cái tâm của người làm thiện nguyện biết san sẻ yêu thương, họ đã đặt trái tim mình nơi quán cơm từ thiện nhằm giúp đỡ những mảnh đời mà theo họ cần và nên được giúp.
Bắt đầu từ 10g30 sáng đến 7g tối, mỗi ngày quán cơm từ thiện Hoa Tâm sẽ cung cấp từ 500 đến 1.000 suất ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Từng phần cơm được nâng niu trao tận tay người nhận hoặc đặt để trên bàn một cách cẩn thận đã giúp cho những người nghèo tại thành phố cảm thấy ấm lòng giữa những mưu sinh, giông bão cuộc đời.
Được biết, quán cơm từ thiện Hoa Tâm đã nhận được rất nhiều sự yêu thương và cảm kích của cả cộng đồng. Nhiều bạn bè thân của Thảo Phương và Quảng Nhật hiểu được việc làm tốt đẹp và ý nghĩa của cả hai đã không ngần ngại chung tay hỗ trợ thêm để quán cơm từ thiện Hoa Tâm có thể duy trì được dài lâu, nhằm giúp đỡ cho những phận đời gặp khó khăn.
Thảo Phương tâm sự: “Ngoài nguồn vốn do nhóm chúng tôi và bạn bè bỏ ra để lo tiền mặt bằng, chi phí duy trì ổn định, thì một số Mạnh Thường Quân cũng có đóng góp thêm cho bếp ăn. Họ góp thêm tiền mặt hoặc vật phẩm như lúa gạo, rau củ trực tiếp tại quán, nhờ vậy mà quán cơm từ thiện Hoa Tâm luôn đỏ lửa, sẵn sàng phục vụ cho người nghèo giữa lòng thành phố”.
Quán cơm từ thiện Hoa Tâm không chỉ giúp người nghèo tiết kiệm mà còn cho họ cảm nhận được sự quan tâm của xã hội nhằm tiếp thêm động lực vươn lên thành công để nối dài cánh tay, giúp đỡ người khác.