Đã đến lúc cần nhận thức rõ ràng hơn về tính ưu việt của nền 'kinh tế số'?
(DNTO) - Trong năm 2022, Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ ưu tiên triển khai chính sách thí điểm cho một vài doanh nghiệp triển khai dự án Blockchain khả thi, mang lại lợi ích cho xã hội rõ rệt.
"Đã đến lúc, chúng ta cần nhận thức rõ ràng hơn về tính ưu việt của nền kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo tiền đề, nền tảng quan trọng và cần thiết để phát triển kinh tế số ở Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, cho hay.
Tại Việt Nam hiện nay, trước làn sóng mới về sự bùng nổ của công nghệ blockchain toàn cầu kết hợp với sự nhạy bén nhanh chóng nắm bắt xu hướng của doanh nghiệp, rất nhiều ứng dụng Blockchain trong nước đã gây tiếng vang lớn, đón nhận nhiều sự quan tâm trong thời gian qua.
Góc nhìn thực tế Blockchain tại Việt Nam
Một số ông lớn ngành ngân hàng như MB Bank, Vietcombank… cũng nối đuôi nhau tung ra những ứng dụng Blockchain, nhằm hỗ trợ trong hoạt động giao dịch tài chính. Hơn nữa, một vài chuỗi cung ứng, lĩnh vực nông nghiệp cũng thử nghiệm tiến hành đưa Blockchain vào thí điểm…, nhằm cải tiến mô hình kinh doanh và tăng chất lượng phục vụ, sản xuất.
Bên cạnh một vài dự án crypto (tiền điện tử) và blockchain Việt Nam nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… đã đưa tầm ảnh hưởng của Việt Nam ra tầm thế giới, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Còn lại, phần lớn các ứng dụng Blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều thành công nổi bật.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) cho biết: Trong 5 năm qua, Blockchain đa phần được ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực Fintech, có mức tăng trưởng 2,5 lần (từ 40 lên 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trung gian…). Có thể nói, con số này là thành tựu lớn nhất.
Nhìn theo hướng tích cực, ông Tước khẳng định: Chính phủ cũng đã có rất nhiều chính sách, chương trình hành động cho kinh tế số, chuyển đổi số. Fintech đã phần nào giải quyết được bài toán công bằng xã hội, cuộc chơi tài chính mà ai cũng có thể tham gia là nhà đầu tư; tuy nhiên, những ứng dụng Fintech khác trong tín dụng, tiết kiệm ngân hàng thì chưa được quan tâm, đầu tư.
Lời khuyên cho doanh nghiệp khi ứng dụng Blockchain
Thông qua buổi tọa đàm “Tiềm năng Blockchain Việt Nam và ứng dụng tài chính công nghệ trong doanh nghiệp thực tế”, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp trong nước một số vấn đề như:
Phải có sự đầu tư nghiêm túc về bản chất việc ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả cao thay vì chạy đua theo trào lưu. Những đầu tư không phù hợp với mô hình kinh doanh sẽ tốn kém, thiếu hiệu quả và không phát huy được sức mạnh mà công nghệ Blockchain mang lại.
Doanh nghiệp cần trang bị kiến thức đủ sâu cả về tài chính, công nghệ lẫn kinh doanh để có thể vận hành hiệu quả mô hình doanh nghiệp. Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng Thư ký Hội tin học Tp. Hồ Chí Minh cho hay, bài toán về phát triển nguồn nhân lực vẫn luôn là thách thức lớn cần phải vượt qua, ngoài rào cản pháp lý đang hạn chế tiềm năng phát triển Blockchain Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, hạ tầng kỹ thuật là rào cản lớn khi triển khai các ứng dụng Blockchain trong doanh nghiệp.
Do vậy, doanh nghiệp có thể lựa chọn những nền tảng Blockchain sẵn có để từ đó xây dựng nên những giải pháp kinh doanh hữu hiệu theo mô hình của mình mà không cần phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật ban đầu, vốn tốn kém và vô cùng thách thức.