Chính phủ điện tử: Đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải
(DNTO) - Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: “Để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2022, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác định xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên thực hiện để hình thành dữ liệu phục vụ quản lý và cải cách hành chính”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông vừa ký văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số.
Thứ Trưởng nhấn mạnh các yêu cầu và chỉ đạo của các cấp, ban ngành về chuyển đổi số trong lĩnh vực Giao thông vận tải (GTVT).
Trên cơ sở các chỉ đạo chung của Chính phủ và của Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải chủ động, tích cực hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ được giao, đặc biệt chủ động nguồn vốn đầu tư của đơn vị; thường xuyên theo dõi, bám sát các chỉ đạo mới của Chính phủ và của Bộ Giao thông Vận tải để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện của đơn vị nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
Trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ, Tổng cục, các Cục chuyên ngành phải xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, phân công đầu mối cụ thể và ưu tiên nguồn lực để triển khai theo đúng thời hạn yêu cầu đối với các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, các đơn vị tích cực triển khai các dự án công nghệ thông tin đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; Chủ động rà soát nội dung, phạm vi công việc nhằm đáp ứng yêu cầu trong quản lý, điều hành gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Trong quá trình thực hiện cần đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, ứng dụng đang có, từ đó xác định mô hình, khung tổng thể và lộ trình triển khai phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử và kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Giao thông Vận tải.Đồng thời, các đơn vị rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy chế quản lý, vận hành, khai thác các sản phẩm (ứng dụng, cơ sở dữ liệu…) hình thành từ dự án, đảm bảo triển khai phù hợp với thực tế và hiệu quả lâu dài.
Chủ động phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin trong quá trình triển khai, đảm bảo tổng thể chung trong xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Giao thông Vận tải và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ Giao thông Vận tải...Việc xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công nghệ thông tin còn chậm.Một số chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử chưa đạt được theo yêu cầu đề ra, chưa gắn với trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời phát hiện vấn đề, còn lúng túng trong triển khai và chưa tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm.../.
Chuyển đổi số lĩnh vực giao thông vận tải là động lực chính để phát triển
Chuyển đổi số (CĐS) đang tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực,ngành giao thông vận tải (GTVT) đã và đang tích cực triển khai nhằm mang lại những tiện ích, sự thuận lợi và đảm bảo lưu thông hàng hóa, an toàn cho người dân...
Chuyển đổi số mang lại nhiều hiệu quả trong quản lý
Bộ GTVT đã có hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình ô tô kinh doanh vận tải, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm ô tô. Bộ Công an đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, xây dựng hệ thống camera giám sát hỗ trợ xử phạt vi phạm trên các tuyến cao tốc và quốc lộ. Đây chính là cơ sở để phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông hiện nay.
Theo Công an tỉnh, việc lắp đặt camera giao thông đồng nghĩa với việc sử dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước, tạo cơ sở để cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, giảm bớt việc ra đường của cán bộ cảnh sát giao thông. Từ đây, cảnh sát giao thông không cần phải tiếp xúc với tài xế, tránh tiêu cực, tham nhũng ngầm, nâng cao trách nhiệm, danh dự của người cảnh sát giao thông.
Tạo ra nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho hay, CĐS là chuyển đổi và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin (CNTT) để giảm bớt các thủ tục, chi phí. Hiện nay, Bộ GTVT đặt ra các nhóm giải pháp chính, như xây dựng các nền tảng phát triển thu phí, giao thông thông minh, quản lý phương tiện giao thông, kiểm soát nhận dạng phương tiện, giám sát hành trình…
Đối với các thủ tục hành chính về quản lý người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải đang thực hiện trực tuyến mức độ 3,4 và được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.
Bên cạnh thủ tục trên, Sở GTVT đang thực hiện mức độ 3, 4 với nhiều nội dung trên Cổng dịch vụ công quốc gia, như cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp lại phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải...