Dịch vụ mạng 5G, mối lo mới cho ngành hàng không thế giới
(DNTO) - Mạng 5G xuất hiện là tin vui cho nhiều mảng công nghệ toàn cầu, nhưng với các nhà cung cấp dịch vụ không dây và ngành du lịch hàng không thế giới lại nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết
Việc mở rộng dịch vụ 5G trên toàn nước Mỹ của hai hãng viễn thông AT&T và Verizon, vốn đã bị trì hoãn trong nhiều tháng vì lo ngại về an toàn bay, nay đã bắt đầu tiến hành tiếp mà không có sự hỗn loạn nào về du lịch, điều mà các giám đốc điều hành hãng hàng không đã từng lên tiếng cảnh báo.
Cơ quan Hàng không Liên bang F.A.A. đã mở rộng danh sách các tàu bay được chấp thuận hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn thấp tại các phi trường nơi dịch vụ 5G được triển khai. Đây chính là mối bận tâm của các hãng hàng không trong thời gian gần đây. Thế nhưng thực sự các vấn đề về 5G liên quan đến toàn bộ ngành hàng không cũng như các nhà cung cấp dịch vụ không dây vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Trước đó các chuyên gia hàng không vốn đã cảnh báo, nhiễu sóng 5G có thể gây ra những hậu quả hiếm gặp nhưng lại thảm khốc đối với phương tiện di chuyển bằng đường hàng không. Bởi lẽ một số loại máy bay có thể sẽ không hạ cánh được xuống các sân bay gần các tháp 5G.
Tuy nhiên nay Cơ quan Truyền thông Liên bang F.C.C. và các nhà cung cấp dịch vụ không dây phần lớn đã bác bỏ những lo ngại vừa nêu. Thế nên cũng không lạ khi năm ngoái, AT&T và Verizon đã mạnh dạn chung chi hơn 80 tỷ USD cho giấy phép phổ tần 5G.
Thực ra đối với các hãng hàng không, vấn đề lớn nhất là cách máy đo độ cao, được phát minh vào những năm 1920, tương tác với các hệ thống tự động. Chẳng hạn, máy bay Boeing 787 sử dụng loại máy này để kiểm soát thời điểm động cơ đẩy ngược kích hoạt trước khi hạ cánh. Nhưng tác động ấy lại có thể gây nhiễu sóng 5G ảnh hưởng đến các hệ thống tự động, bao gồm hiệu suất giảm tốc bị hạ thấp, tăng khoảng cách hạ cánh và hành trình trên đường băng. Giải pháp khả dĩ nhất là phải chi thêm hàng trăm triệu đô la, hoặc có thể lên tới hàng tỷ để chỉnh sửa loại máy này và tốn công lập trình lại hệ thống bay tự động. Thế nhưng ai trả tiền, đó mới là vấn đề!
Chẳng phi công nào muốn máy bay hạ cánh mà không có máy đo độ cao hoạt động. Thế mà mạng 5G lại đe dọa sự mất an toàn của thiết bị khiến ngành hàng không khỏi lo lắng. Bởi nếu sóng của máy đo độ cao không phản xạ trở lại được do nhiễu sóng 5G, hoặc không thể phân biệt được với các sóng lân cận khác, máy có thể đọc sai thậm chí hoàn toàn không hoạt động.
Thực tế là những lỗi như vậy đóng một vai trò quan trọng trong hai vụ tai nạn chết người liên quan đến chiếc Boeing 737 Max, khiến các nhà quản lý vào năm 2019 buộc phải dừng chúng bay trong gần hai năm. Một số chuyên gia còn cho biết, họ lo lắng nhất về sự can thiệp của 5G đối với Boeing 787, một loại máy bay lớn hơn thường được sử dụng trên các chuyến bay quốc tế đường dài.
Việc AT&T và Verizon quyết định tạm thời giới hạn mạng 5G mới của họ trong phạm vi hai dặm tính từ các sân bay sẽ giải quyết nhiều mối lo ngại về an toàn, ít nhất là vào lúc này. Nhưng sự khởi đầu của 5G vốn đã được hình thành từ nhiều năm lại đặt ra câu hỏi: tại sao các hãng hàng không, F.A.A., các công ty không dây và F.C.C. không giải quyết chúng sớm hơn?