Quỹ nội đang rầm rộ ‘săn’ startup
(DNTO) - Trong các tháng đầu năm, hàng loạt startup được các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa rót vốn, là tín hiệu đáng mừng của thị trường khởi nghiệp Việt Nam.
Các quỹ ‘ăn cỏ đồng gần’
Ngay trong tháng đầu năm 2022, VIISA - quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa công bố đầu tư Shub – startup công nghệ giáo dục đang có hơn 200 đối tác là trường học, hơn 100.000 giáo viên và hơn 3 triệu học sinh sử dụng.
Chia sẻ về lý do gật đầu trước VIISA, founder Nguyễn Đăng An từng chia sẻ, SHub đã ngồi làm việc với rất nhiều quỹ đầu tư, tuy nhiên, chỉ có VIISA dành nhiều thời gian và thấu hiểu con đường mà đội ngũ SHub đang đi. Vì vậy, cái bắt tay với quỹ đầu tư nội địa phù hợp với định hướng của startup này để thúc đẩy thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam.
Hay Do Ventures, một quỹ đầu tư trong nước ra đời khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, cũng tích cực rót vốn vào các công ty khởi nghiệp. Ngay trong đầu năm 2022, Do Ventures công bố đầu tư vào Ringle (nền tảng kết nối học viên với đội ngũ gia sư) nhằm hỗ trợ quá trình mở rộng của công ty tại thị trường Việt Nam.
Tin vui lớn nhất có lẽ phải kể đến sự ra mắt của Quỹ đầu tư nội địa lớn nhất Việt Nam - ThinkZone Fund II, với quy mô vốn lên tới 60 triệu USD vào hồi cuối tháng 2 vừa qua. Quỹ này sẽ tìm kiếm và rót vốn cho startup công nghệ với quy mô đầu tư lên tới 3 triệu USD/startup, cùng các gói hỗ trợ lên tới 150.000 USD/startup.
Việc hoạt động ngày càng tích cực của các quỹ nội địa góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường khởi nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo mới đây của NIC và Do Ventures, năm 2021, cùng với số vốn 1,4 tỷ USD rót vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam, có sự hoạt động sôi nổi của các quỹ địa phương.
Cụ thể, trong 173 thương vụ đầu tư cho startup Việt Nam, có tới 28 thương vụ được thực hiện bởi các quỹ nội, bằng số thương vụ của các quỹ từ Bắc Mỹ và chỉ đứng sau các quỹ có trụ sở tại Singapore với 34 thương vụ.
Một số “cá mập” nổi bật có thể kể đến như Do Ventures, VIC Partners, VSV Capital, AVV, VIISA, ThinkZone, Clever Group, TVS, Vina Capital Ventures…
‘Vốn mồi’ hút quỹ ngoại
Được đánh giá là một trong những thị trường khởi nghiệp năng động nhất Đông Nam Á, Việt Nam được kỳ vọng sẽ hút tới 2 tỷ USD vốn đầu tư cho thị trường khởi nghiệp trong năm 2022 (ESP Capital và Cento Ventures).
Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.
Xu hướng quỹ nội và quỹ ngoại ‘bắt tay’ rót vốn startup Việt ngày càng nở rộ. Minh chứng là rất nhiều thương vụ thành công trong đầu năm 2022 đều có bóng dáng của cả nhà đầu tư ngoại và nội.
Điển hình là quỹ đầu tư nội VIC Partners, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã liên tục bắt tay với quỹ ngoại như STIC Ventures (Hàn Quốc) để cùng rót vốn vào startup thời trang nam Coolmate; hay đồng hành cùng CyberAgent Capital (Nhật Bản) trong thương vụ đầu tư vào RETI – startup công nghệ bất động sản.
Theo ông Bùi Thành Đô, CEO Quỹ đầu tư ThinkZone, các startup Việt Nam còn thiếu rất nhiều nguồn lực, nhất là gặp khó khăn khi đi gọi vốn, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị tài chính. Trong khi đó, sự hỗ trợ của các nguồn lực trong nước vẫn còn hạn chế với các startup công nghệ khi họ còn ở quy mô nhỏ. Vì vậy, sự kết hợp giữa quỹ đầu tư trong và ngoài nước, giữa quỹ đầu tư và tập đoàn lớn là rất quan trọng để hỗ trợ startup.
“ThinkZone đã đồng hành với các quỹ đầu tư nước ngoài khi họ đầu tư vào startup Việt Nam. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng nhận thấy có một số vấn đề mà trong hơn 10 năm qua các startup Việt Nam gặp phải khi đầu tư với các quỹ nước ngoài. Vì vậy, vai trò của quỹ nội là không chỉ đầu tư, hỗ trợ cho startup mà còn trở thành cầu nối giúp startup kết nối với các quỹ ngoại hiệu quả hơn”, ông Đô cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, trong khi quỹ ngoại có nhiều tiềm lực về tài chính nhưng lại ít có sự thấu hiểu về thị trường Việt Nam, thì các quỹ nội sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo xung lực để đón dòng vốn này. Vì vậy, với gần 40 quỹ đầu tư nội ở thời điểm hiện tại, hoạt động ngày càng tích cực, các startup Việt Nam sẽ có nguồn lực tại chỗ vô cùng thuận lợi để phát triển.