Quỹ đầu tư muốn ‘nuôi’ nguồn startup từ sinh viên
(DNTO) - Đông đảo quỹ đầu tư có mặt tại thị trường, nhưng số lượng và chất lượng startup của Việt Nam còn thiếu và yếu. Bài toán tạo nguồn cho startup ngay từ đội ngũ sinh viên, thanh niên vì thế càng cấp thiết.
Mong mỏi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Bước vào Việt Nam, Quỹ đầu tư Lotte Ventures thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào một thị trường khởi nghiệp năng động hiện đang đứng thứ ba Đông Nam Á. Ông Huy Phạm, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Lotte Ventures Việt Nam cho biết, có một thực tế là hiện năng lực chuyên môn và ngoại ngữ founder (nhà sáng lập startup) Việt Nam và Hàn Quốc là tương đương.
Tại Hàn Quốc, hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển lâu hơn và mạnh hơn, tạo ra nền tảng tốt giúp founder xây dựng công ty, nhưng điều này không có nghĩa Việt Nam không có lợi thế. Founder Việt Nam có tính linh hoạt, khi họ đi tìm các giải pháp, chỗ này bị tắc sẽ tìm chỗ khác, sẵn sàng thay đổi mô hình và sẵn sàng tìm các ý tưởng mới trên thế giới.
Vì vậy, Quỹ mong muốn tìm kiếm những startup Việt có thể trở thành đối tác trong hệ sinh thái của tập đoàn Lotte toàn cầu, được các công ty con của Lotte tiếp tục đầu tư kể cả sau giai đoạn quỹ thoái vốn.
Tuy nhiên, hiện số lượng quỹ đầu tư trong và ngoài nước hoạt động tại thị trường Việt Nam đã lên tới con số 217. Tuy nhiên số lượng thương vụ rót vốn vào startup năm 2021 chỉ đạt 165 thương vụ. Như vậy sẽ có quỹ đầu tư chưa tìm kiếm được thương vụ nào tại Việt Nam trong năm qua.
Điều này cũng được ông Huy Phạm thừa nhận trong phiên thảo luận chuyên sâu thuộc Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022. Theo ông Huy, startup Việt Nam hiện còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Trong những năm qua, để tìm kiếm startup tiềm năng, Lotte Ventures cũng tham gia đồng hành trong vai trò hỗ trợ, cố vấn cho một số câu lạc bộ, chương trình khởi nghiệp của các trường đại học. Tuy nhiên sự hỗ trợ này còn rất nhỏ lẻ và cần có cơ chế, chính sách để kết nối các quỹ hỗ trợ cho thanh niên tốt hơn.
“Các quỹ rất mong muốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bởi họ là những doanh nghiệp tương lai mà Quỹ đón đợi đầu tư. Việt Nam đang thị trường thú vị với nhiều nhà đầu tư nhưng số lượng và chất lượng startup Việt Nam còn sơ khai và còn cơ hội để tăng lên. Việc đầu tư cho thanh niên khởi nghiệp cũng là đầu tư cho nguồn đầu vào của Quỹ”, ông Huy Phạm nói.
Nguồn lực khởi nghiệp dồi dào từ thanh niên
Báo cáo thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020 cho thấy nước ta đang sở hữu nguồn lực lao động, khởi nghiệp dồi dào với 22,3 triệu người trong độ tuổi thanh niên. 40% người trẻ tại Việt Nam (22-30 tuổi) được khảo sát cho biết đang có kế hoạch bắt đầu kinh doanh; 20% dự định khởi nghiệp trong 5 năm tới.
Còn thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2021 cũng cho thấy có 54% người nằm trong độ tuổi 25-34 tham gia vào giai đoạn khởi sự kinh doanh. 4 năm qua, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia đón nhận 1.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo BK Holdings cho biết, không khó để tìm thấy những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở các trường đại học và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên mấu chốt là ở các bạn thanh niên phải chủ động, dấn thân để tìm thấy những vấn đề xã hội cần giải quyết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, cũng nhấn mạnh founder là những người làm chủ cuộc chơi, vì vậy muốn khởi nghiệp phải bắt đầu từ tinh thần khởi nghiệp, tức phải có mục tiêu rõ ràng, có văn hóa khởi nghiệp và kể cả văn hóa thất bại.
“Người trẻ khởi nghiệp phải học rất nhiều. Không nhất thiết phải học trong trường đại học mới có thể khởi nghiệp vì rất nhiều người khởi nghiệp thành công là do học tập từ kiến thức xã hội. Do vậy, đổi mới sáng tạo cần vốn xã hội rất nhiều. Học nhiều nhất là từ thất bại của những người đi trước để tạo nên công thức của riêng mình”, ông Đàm Quang Thắng nêu quan điểm.
Chia sẻ về cách tiếp cận với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Thắng cho biết, hiện nay các công nghệ mới, công nghệ ưu việt rất nhiều. Tuy nhiên, startup cần nhìn nhận được rằng ai là người sử dụng sản phẩm và trả tiền cho sản phẩm của startup.
“Khác với khởi nghiệp truyền thống là đích đến trở thành doanh nghiệp lớn, khởi nghiệp sáng tạo làm sao để tăng trưởng sau đó bán cho nhà đầu tư. Mô hình kinh doanh phải thực sự có thể tăng trưởng, tệp khách hàng đủ lớn thì mới có thể hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Thắng cho hay.