Làm gì để giải bài toán chống thất thu thuế thương mại điện tử?
(DNTO) - Ước tính tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90%, trong khi tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử luôn ở mức cao, trên 20%/năm. Nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Chia sẻ những kinh nghiệm cũng như thành công mà quốc tế đã áp dụng để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết nhiều nước quản lý rất sớm trong việc thực hiện các giải pháp quản lý TMĐT nói chung và quản lý thuế nói riêng.
Nhưng tựu chung lại, theo GS.TS Hoàng Văn Cường việc quản lý TMĐT có các biện pháp sau: Thứ nhất là củng cố nền tảng về mặt pháp lý. Bởi có rất nhiều sản phẩm diễn ra trong quá trình giao dịch trên nền tảng mạng nhưng không thuộc vào các sản phẩm hàng hóa đã quy định như các hàng hóa thông thường. Theo đó phải quy định về mặt luật pháp để đưa những sản phẩm này vào đối tượng thu thuế.
Thứ hai, trong giao dịch hàng hóa thông thường, đối tượng người nộp thuế, người chịu thuế có hiện diện tại nơi quản lý thuế, nhưng trên không gian mạng, đặc biệt là xuyên biên giới thì những người nộp thuế không hiện diện, không có đại diện..., như vậy làm thế nào để quản lý?
Do đó, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, việc quản lý ở đây không phải quản lý con người tham gia vào giao dịch, mà là quản lý hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế dù có diễn ra ở đâu, nhưng nếu hoạt động trên địa bàn nhất định sẽ có các tiêu trí đánh giá và phân khu pháp luật để người thực hiện hoạt động đó phải chịu trách nhiệm nộp thuế.
Do vậy cần phải có khuôn khổ pháp lý để thực thi công tác quản lý đảm bảo sự đồng bộ giữa pháp luật trong nước và đặc biệt đảm bảo yếu tố quốc tế.
Yếu tố tiếp theo là phải sử dụng các công cụ để thu thập thông tin trên nền tảng số. Chúng ta đang thực hiện khá tốt yếu tố này. Thu thập thông tin trên nền tảng số này người ta có rất nhiều các công cụ. Hiện nay đang dùng rất phổ biến là AI hoặc là sử dụng phân tích mảng dữ liệu lớn Big Data để tìm ra các hành vi giao dịch có khi có những người trốn thuế, có những người không khai báo, nhưng các cơ quan quản lý biết ngay ở đây đang diễn ra những giao dịch đáng ngờ, có thể là đối tượng theo dõi để quản lý.
Người ta cũng có thể sử dụng những công tác rất thủ công, ví dụ như cơ quan thuế sẽ nhận thông tin của cơ quan quản lý truyền thông, cơ quan ngân hàng để biết là có các đối tượng đang có nghĩa vụ phải nộp thuế nhưng chưa thực hiện nộp thuế thì cơ quan thuế có thể thực hiện các biện pháp điều tra hoặc thậm chí là mua bán, đóng giả khách hàng mua bán thử để truy tìm ra hành vi đó, đấy cũng là cách để tìm các thông tin, tìm dấu vết.
Thứ ba là công tác thiết lập tổ chức, con người, phải có con người thực thi. Trước đây, quản lý thuế thường sử dụng bộ máy con người như thanh tra quản lý, kê khai trực tiếp thì bây giờ chuyển sang bộ phận ngồi quản lý thông qua hệ thống điện tử.
"Bộ máy điện tử này không dừng lại là cơ quan thuế, mà có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan khác, ví dụ như ngành công thương, thông tin truyền thông hay ngành ngân hàng. Bộ máy đó gần như liên thông với nhau để có thể tạo ra được một cơ quan có trách nhiệm kiểm soát và thực thi các biện pháp quản lý. Tôi cho rằng có lẽ đấy là các biện pháp mà mà hầu hết các nước đang tiến tới sử dụng trong nội bộ", GS Cường bày tỏ.
Ngoài ra, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho biết, trong hợp tác quốc tế, các nước bắt tay với nhau để tránh những chuyện chuyển giá, chuyển thuế, tránh tình trạng các quốc gia cho thuế thấp xuống để trốn thuế, gọi là thiên đường trốn thuế nên người ta bắt tay với nhau. Công cụ về liên kết quốc tế là yếu tố rất quan trọng để chúng ta quản lý được tất cả các hoạt động dù là chủ thế đó diễn ra trong nước hay là nước ngoài.
Tại Tọa đàm trực tuyến "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử", diễn ra chiều 29/9, nói về những khó khăn mà ngành thuế phải đối mặt khi triển khai thu thuế TMĐT, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, cho biết đối với đặc trưng nền kinh tế số và TMĐT, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, ngành thuế gặp không ít khó khăn.
Thứ nhất, khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế. Người nộp thuế có thể bất kể là tổ chức hoặc cá nhân. Cùng với đó là khó phân biệt các loại thu nhập. TMĐT có nhiều loại như phí dịch vụ, phí bản quyền… có rất nhiều loại chi phí cần làm rõ để phân biệt tính làm cơ sở đánh thuế.
Khó khăn tiếp theo là quản lý các đối tượng. Vì có thể đối tượng đánh thuế là tổ chức hoặc cá nhân, 1 cá nhân có thể mở nhiều gian hàng trên các trang mạng xã hội cũng có thể bán hàng trên nhiều nền tảng TMĐT khác nhau.
Khó khăn nữa là quản lý dòng tiền. Vấn đề này không hề đơn giản vì tại Việt Nam việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến, có thể nói giao dịch tiền mặt vẫn khá nhiều so với qua ngân hàng…
Nhưng ngành Thuế cũng là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số. Một trong những giải pháp chống thất thu thuế đó là hiện đại hóa, tạo điều kiện cho cho người nộp thuế.
Cụ thể vào ngày 21/3/2012 Cổng TTĐT của cơ quan Thuế đã mở phần cho các nhà cung cấp nước ngoài kê khai thuế tại đây. Chúng tôi hiện đang triển khai một Cổng thông tin để các sàn TMĐT kê khai, các sàn có thể nộp thay các hộ kinh doanh, các sàn cũng có thể nhận ủy quyền để cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Đồng quan điểm về những khó khăn mà ngành thuế đang gặp phải trong việc triển khai thu thuế TMĐT, GS.TS Hoàng Văn Cường, cho rằng đây không phải là thách thức với riêng Việt Nam mà với cả các nước phát triển. Người ta cũng thấy rằng việc quản lý thu thuế với hệ thống TMĐT hiện đang rất lúng túng, đặc biệt là vấn đề kinh doanh xuyên biên giới.
"Tuy vậy chúng ta nhìn thấy thành công của Việt Nam trong quản lý thuế trên TMĐT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Có lẽ tiền đề đầu tiên, tôi cho rằng ngành thuế là ngành tiên phong và là ngành đầu tiên được đánh giá cao, nhất là tích cực trong chuyển đổi số, ngành đi đầu trong chuyển đổi số của Việt Nam. Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa, mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Tôi cho rằng quá trình này được ngành thuế thực hiện khá nhanh, đó là nền tảng rất quan trọng", GS. Cường nói
Và theo GS. Cường, cũng chính nhờ đó mà Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử.
"Tôi cho rằng chúng ta khá tiên phong, nắm bắt được những công nghệ quản lý mới để áp dụng. Ngay trong lĩnh vực quản lý trong nước, nhiều nền tảng số như Uber, Grab..., hồi đầu mới xuất hiện ta còn chưa định nghĩa nó là hàng hóa gì. Nhưng đến nay chúng ta có được đầy đủ các công cụ pháp lý để thực hiện thu thuế các hoạt động dịch vụ này", GS Cường nói.
Bên cạnh những việc đã triển khai về mặt kỹ thuật, công nghệ thì việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cũng được chú trọng. Chúng ta cũng đã chủ động để hình thành nên yếu tố như sửa đổi Luật Quản lý thuế tích hợp ngay những nội cung về quản lý thuế đối với TMĐT, sau đó là quy định của pháp luật về thực thi của Chính phủ.
Theo GS. Cường, quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT không phải chuyện riêng của ngành tài chính mà còn là nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan. Như vậy, để có khuôn khổ pháp lý về quản lý thuế đối với TMĐT, chúng ta đã phối hợp hoạt động khá tốt trong bộ máy quản lý. Chính vì thế chúng ta đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong công tác quản lý thuế TMĐT.