Chen chân vào thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe khó càng thêm khó
(DNTO) - Lấn sân sang mảng giao hàng và giao đồ ăn, nhiều ứng dụng gọi xe bước đầu nhận về tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, mảng miếng này cũng không dễ ăn khi đang có nhiều đối thủ nhăm nhe bước vào thị trường.
Được gì khi canh tác ở đất mới?
Sau khi mảng kinh doanh cốt lõi là gọi xe liên tục chìm trong thua lỗ, nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ tìm cách khai thác mảnh đất mới là thương mại điện tử, cụ thể là giao hàng và giao đồ ăn.
Mục đích của việc mở rộng danh mục kinh doanh sang thương mại điện tử sẽ giúp các ứng dụng gọi xe công nghệ làm đẹp profile của mình trong mắt các nhà đầu tư, trong bối cảnh vốn hóa của họ liên tục sụt giảm sau khi niêm yết trên các sàn chứng khoán.
Công cuộc lấn sân này bước đầu giúp các ứng dụng tìm thấy hướng đi khả quan. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2022 vừa công bố, trong Top 10 nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, bên cạnh những ông lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,cũng xuất hiện các cái tên thuộc nhóm app gọi xe như Grab, Gojek, Aha Move, Be, Foody, Baemin.
Thị phần doanh thu của Top 10 doanh nghiệp trên đang chiếm tới 95% tổng doanh thu của thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Các doanh nghiệp còn lại được chia phần bánh siêu nhỏ, chỉ 5%.
Thực tế cho thấy, các sàn thương mại điện tử có lợi thế là hàng hóa đa dạng, phong phú, cũng bắt đầu đưa các sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi sống vào danh mục bán hàng của mình, nhưng chưa thể bứt phá bởi các sàn đa phần còn phụ thuộc nhiều vào các đơn vị vận chuyển thuê ngoài. Và với hàng thực phẩm tươi sống, tốc độ giao hàng quyết định rất lớn đến chất lượng của sản phẩm.
Trong khi đó, các ứng dụng gọi xe lại có lợi thế về vận chuyển hơn. Vì vậy, với xu hướng mới của ngành F&B (thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh), khi các nhà bếp đám mây (mô hình chỉ phục vụ đồ ăn mang đi) ngày càng nở rộ, thì các ứng dụng đặt đồ ăn, đóng vai trò là trung gian kết nối giữa nhà hàng và thực khách ngày càng trở nên quan trọng vì khách hàng có thể tìm kiếm tài xế và cửa hàng ngay lập tức và nhanh chóng nhận được hàng chỉ trong vài giờ.
Theo phân tích từ Reputa, thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam dự báo duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới. Đây là mức tăng trưởng khá lớn và sẽ mang lại nguồn lợi khổng lồ cho 10 ông lớn đang nắm giữ tới 95% thị phần giao đồ ăn.
Con đường mới không trải hoa hồng
Thế nhưng, nếu nhìn lại lý do các ứng dụng gọi xe chật vật trong kinh doanh, thì sẽ thấy ngay cả con đương mới dù có khả quan hơn, vẫn còn nhiều chông gai.
Ở mảng gọi xe, trong một thời gian dài, các gã khổng lồ như Grab, Gojek chạy đua tung các mã khuyến mãi để lôi kéo khách hàng. Dù lợi thế thu về là tỷ lệ chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn, khoảng cách với các đối thủ ngày càng xa, nhưng đổi lại là những khoản lỗ chồng lỗ từ quý này sang năm khác.
Và với khách hàng, họ chọn ứng dụng gọi xe công nghệ một phần vì sự thuận tiện, nhưng phần lớn là những ưu đãi về giá cả. Đó là lý do thời gian qua, nhiều hãng taxi công nghệ đối diện với làn sóng phẫn nộ từ khách hàng sau khi điều chỉnh chính sách giá.
Mảng giao đồ ăn trực tuyến hiện cũng vậy, 84% khách hàng lý do chính yếu làm khách hàng hài lòng với dịch vụ là đến từ các "chương trình ưu đãi, khuyến mãi", thay vì yếu tố tốc độ chỉ chiếm 2%, theo Reputa.
Đó cũng là lý do mà các ứng dụng giao đồ ăn cũng tiếp tục bước vào cuộc chiến “đốt tiền” để tung các mã khuyến mại. Nhưng cách làm này lại giống y như cách mảng kinh doanh gọi xe từng làm và cũng là nguyên nhân khiến mảng gọi xe lỗ chồng lỗ.
Như tại Seoul (Hàn Quốc), 52% người dân không sử dụng dịch vụ giao hàng trong quý đầu năm nay, do giá đồ ăn và phí ship tăng cao. Các chủ nhà hàng cũng phàn nàn về chiết khấu hoa hồng phải trả cho các đơn nhận qua nền tảng giao hàng tăng cao. Điều này khiến các ứng dụng giao hàng nổi tiếng tại đây như Baedal Minjok, Coupang Eats, Yogiyo…, tiếp tục thua lỗ và càng khó khăn khi hoạt động.
Với Grab, theo báo cáo tài chính năm 2021, hãng chi tới 560 triệu USD để tung ra các ưu đãi, khuyến mãi dù doanh thu chỉ là 228 triệu USD. Grab vẫn đặt ngôi sao hy vọng vào sự hòa vốn của mảng giao đồ ăn vào quý I/2023 và mảng giao hàng nói chung hòa vốn vào quý 2/2023, sớm hơn 1-2 quý so với kế hoạch ban đầu.
Gã kì lân tự tin như vậy nhờ vào chiến lược tiết giảm chi phí cố định và giảm bớt ưu đãi. Tuy nhiên, với việc khách hàng chỉ trung thành và yêu thích thương hiệu vận chuyển nhờ vào mã ưu đãi, thì cơ hội lật ngược tình thế của Grab sẽ còn rất gian nan.
Một đối thủ khác của Grab là GoTo (công ty mẹ của Gojek) cũng đang còng lưng gánh mức lỗ ròng lên tới gần 1 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm nay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù CEO GoTo vẫn khá lạc quan khi đặt mục tiêu các mảng kinh doanh theo yêu cầu và thương mại điện tử sẽ hòa vốn lần lượt vào quý 1 và quý 4 năm sau, nhưng với tình hình tài chính hiện tại của công ty, sự lạc quan này cũng chưa chắc chắn.
Việc tình hình tài chính khó khăn sẽ buộc các ứng dụng thắt chặt các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, thậm chí buộc phải gia tăng giá cước dịch vụ, giống như mảng gọi xe. Nhưng điều này sẽ khiến khách hàng liên tục rời bỏ ứng dụng để nhảy sang các đối thủ có sức hấp dẫn hơn về ưu đãi. Do đó, các ứng dụng đánh sang mảng giao đồ ăn nhưng vẫn duy trì cách làm cũ vẫn sẽ khó càng thêm khó.