Còn, mất dịch vụ giao đồ ăn hậu đại dịch?
(DNTO) - Hãy cùng thử tìm hiểu các nhà hàng và ứng dụng giao đồ ăn như Uber Eats, Grabfood hay DoorDash đang suy nghĩ thế nào về việc giao hàng tận nhà trong và hậu đại dịch, để biết dịch vụ này hiệu quả đến đâu.
Đối với nhiều người, kể cả dân kinh doanh nhà hàng, dịch vụ giao-nhận đồ ăn là một cứu cánh khi việc ăn uống trực tiếp tại quán xá bị cảm thấy quá rủi ro lây nhiễm bệnh, hoặc phải gặp những trở ngại vì đóng cửa do giãn cách phong tỏa trong đại dịch. Thói quen đó dường như đang cắm rễ sâu dần trong não trạng cộng đồng và vẫn có khả năng tồn tại lâu. Giờ đây, nhiều thành phần liên quan đến dịch vụ này đang cố gắng tìm cách biến nó thành một công việc kinh doanh hiệu quả, kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Những đất nước Tây Âu bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ còn hay mất tính khả thi và hữu dụng của công việc giao hàng tận nhà nói chung và chuyển đồ ăn nói riêng khi dịch Covid-19 dịu đi. Những nhà hàng và các công ty ứng dụng dịch vụ gọi món như Uber Eats, Grabfood, FoodNow hay DoorDash đang định hình lại nhiều thứ xung quanh xu hướng này. Chúng bao gồm hình thức giao hàng, đóng gói, chuyện phí ship, các khiếu nại từ khách gọi, độ phức tạp trong chấm điểm nhà hàng, quy mô lớn hay nhỏ về không gian mở lại để đón khách trực tiếp và cách đối phó với tình trạng đơn đặt hàng giảm có thể xảy ra.
Khả năng tác động của các ứng dụng giao hàng sẽ kéo dài ra sao trong hoạt động kinh doanh của những tiệm ăn? Theo phân tích của các chuyên gia xã hội, tác động này sẽ đa dạng tùy loại hình nhà hàng buôn bán. Chẳng hạn có chủ tiệm đã quyết định cải tạo lại nhà bếp phục vụ của mình để làm bánh pizza, mà khách hàng chỉ có thể đặt hàng tự mua mang về hoặc ở nhà nhận thông qua các ứng dụng giao hàng.
Cũng có chủ khác đang bị cám dỗ muốn đoạn tuyệt với các công ty ứng dụng do bực bội và khó chịu về nhiều thứ phát sinh với đối tác công nghệ dạng này. Số đứng trung dung cũng không ít. Nhiều nhà đầu tư tiệm ăn vẫn tin rằng việc phân phối hàng mang đi có thể sinh lợi và giữ tầm quan trọng cho cả đôi bên. Tuy nhiên họ cũng đang cố vận động hành lang với các nhà chính trị để có những thay đổi nhằm làm cho các dịch vụ ứng dụng trở nên bền vững hơn, chẳng hạn như giới hạn về phí mà các công ty này tính toán.
Còn những DoorDash, Grabfood hay Uber Eats thì sao? Họ đang la làng là làm ăn không có lãi! Do bị áp lực từ chính quyền, DoorDash hiện đang phải cung cấp cho các nhà hàng nhiều lựa chọn tính phí hơn trước đây. Thay vì nhận tới 30 phần trăm hoặc cao hơn từ doanh số bán ra của một nhà hàng, nhà hàng có thể chỉ trả cho công ty ứng dụng 15% phần trăm công giao hàng, rồi sau đó sẽ bonus thêm tiền cho các khoản bổ sung dựa vào tần xuất đơn đặt cao hay thấp theo kết quả tìm kiếm.
Trong khi một số thành phố tại Mỹ áp đặt giới hạn tạm thời trong thời gian xảy ra đại dịch, thì riêng San Francisco lại giới hạn vĩnh viễn các khoản phí mà các ứng dụng được tính cho nhà hàng. Dân kinh doanh các địa điểm ăn uống đang lo là những ưu đãi cho họ từ chính quyền như thế sẽ chấm dứt khi giãn dịch, tức họ sợ phải trở lại mức phí cũ.
Sự tiện lợi nào cũng phải đánh đổi, và ai cũng phải chấp nhận! Dân shipper, dù có sĩ hảo khi đành chọn theo nghiệp này, vẫn thật sự thấy đây là một vị trí mà họ có thể đăng ký hành nghề dễ dàng và bắt đầu nhập cuộc để kiếm sống ngay lập tức. Thực khách có thể không thích kiểu một bữa ăn được giao chẳng tươi ngon như những gì họ ăn ở nhà hàng đồng thời lại tốn tiền hơn, nhưng nhiều người sẵn sàng “trả giá” để có được thức ăn bày sẵn trên bàn ngay lúc mình muốn mà khỏi cất công xê dịch. Còn nhà hàng, do vẫn cần dịch vụ giao hàng khi hoạt động kinh doanh ăn uống của họ bị thu hẹp lại vì hệ lụy từ đại dịch, nên phài miễn cưỡng chấp nhận những khía cạnh không hài lòng mà dịch vụ ứng dụng mang đến.
Hậu đại dịch, liệu các nhà hàng có muốn vật lộn với một nhiệm vụ kép? Đó là vừa gầy dựng được một địa điểm hấp dẫn để thực khách dùng bữa trực tiếp, vừa phải chuẩn bị bữa ăn để shipper giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng. Đó là một ao ước đối với nhiều ông bà chủ, nhưng không dễ thực hiện. Khả năng thực hiện tốt cả việc giao hàng và phục vụ bữa ăn phụ thuộc một phần vào không gian thực tế của nhà hàng.
Đối với các địa điểm có không gian phòng ăn nhỏ, tình huống cứ vài phút xuất hiện một nhân viên chuyển phát nhanh ở nơi mọi người đang dùng bữa có thể gây phiền toái, khó chịu. Lý tưởng để thực hiện “nhiệm vụ kép” là tiệm ăn rộng rãi, có riêng quầy tiếp đơn nhận-giao hàng và cũng đủ chỗ đậu xe cho cả khách hàng trực tiếp lẫn shipper.
Vì lợi nhuận, nhiều công ty ứng dụng nay còn mở rộng sang cung cấp nhiều loại thứ khác ngoài đồ ăn mang đi như hàng tạp hóa, rượu và sản phẩm của những mini-mart nữa, nên các nhà hàng, tiệm ăn còn phải lệ thuộc vào cả nguồn nhân lực dồi dào hay eo hẹp nhân lực của những app này.
Chắc chắn, một khi còn cần đến dịch vụ giao thức ăn, kinh doanh nhà hàng không dễ có tỷ suất lợi nhuận cao. Bởi thu nhập từ tiền đặt hàng một bữa ăn phải chia 3: một cho nhà hàng, một cho đơn vị chuyển phát nhanh và phần còn lại công ty ứng dụng hưởng. Thế nên, hậu đại dịch, bài toán cần phải giải vẫn còn đó cho nhiều bên, kể cả thực khách.