‘Gió đảo chiều’ trên thị trường gọi xe
(DNTO) - Các hãng taxi truyền thống đang nhanh chân hơn trong việc giảm giá cước sau khi giá xăng giảm, điều này sẽ gây áp lực lên các hãng taxi công nghệ, đặc biệt là với các “ông lớn” đang chìm trong thua lỗ.
Taxi truyền thống nỗ lực hồi sinh
Ngay sau khi công văn đề nghị giảm giá cước 500-1.000 đồng/km của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi tới các doanh nghiệp trong ngành (12/8), nhiều hãng xe cho biết sẽ công bố điều chỉnh giảm giá trong vài ngày tới.
Trước đó, một số hãng taxi truyền thống cũng đã thực hiện giảm giá cước sau khi giá xăng liên tiếp hạ nhiệt trong 5 kỳ điều chỉnh vừa qua. Theo tính toán, giá cước xe taxi sẽ giảm khoảng 5-10%, bằng mức giá thời điểm đầu năm nay. Tuy nhiên, đến hiện tại, động thái giảm giá cước mới chỉ diễn ra ở các hãng xe truyền thống, còn với các hãng xe công nghệ vẫn “im hơi, lặng tiếng”.
Hồi tháng 3, Grab và Gojek thực hiện tăng giá cước nhiều loại dịch vụ dưới áp lực tăng giá xăng dầu. GrabCar tăng 2.000 đồng/2 km đầu tiên và thêm 500 đồng/mỗi km tiếp theo; GrabBike tăng tương ứng 1.000 đồng và 300 đồng. Gojek cũng tăng giá cước GoRide thêm 1.000 đồng/2km đầu tiên và 500 – 900 đồng/mỗi km tiếp theo. Dịch vụ GoFood tăng khoảng 1.000 đồng.
Trong khi đó, thời gian qua, các hãng taxi truyền thống lớn như Vinasun, Mai Linh đều cố gắng giữ giá cước ổn định, kể cả thời điểm bão giá hay giờ cao điểm. Điều đó giúp giá cước của các loại hình taxi truyền thống và công nghệ hiện gần tiệm cận nhau. Cộng thêm việc nhanh chóng tung bảng giá điều chỉnh ngay sau khi giá xăng dầu giảm, các hãng taxi truyền thống đang ghi điểm tốt hơn trong mắt người dùng. Điều này tăng thêm áp lực cho các hãng taxi công nghệ.
Minh chứng cho thấy, sau 8 quý lỗ liên tiếp, taxi Vinasun lãi đột biến. Doanh thu 247 tỷ đồng trong quý 2 năm nay, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 57 tỷ đồng, tăng tới 185%. Hãng cũng cho biết, hiện 100% xe taxi đã trở lại hoạt động.
Trong khi đó, Grab, mặc dù nắm giữ thị phần gọi xe lớn nhất Việt Nam, nhưng vẫn nối dài chuỗi thua lỗ. Tính đến hết năm ngoái, khoản lỗ lũy kế của Grab Việt Nam lên tới 4.365 tỷ đồng. Gojek cũng không khá hơn dù về chung nhà với “kỳ lân” thương mại điện tử Tokopedia (hợp thành GoTo). GoTo ghi nhận lỗ ròng lên tới 1,47 tỷ USD trong năm 2021 và 436 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay.
Không còn cơ hội “làm mình, làm mẩy”
Khi mới bước chân vào thị trường, để nhanh chóng áp đảo các hãng taxi truyền thống, Grab và nhiều hãng taxi công nghệ khác liên tục vung tiền cho khuyến mại, giảm giá để hạ giá cước thấp hơn các đối thủ nhằm thâu tóm thị trường.
Thế nhưng, việc “đốt tiền” trong một thời gian dài sẽ dễ dẫn đến hụt hơi, bởi đối thủ của các hãng taxi công nghệ cũng sẽ thay đổi. Hiện các hãng taxi truyền thống đang tích cực đầu tư cho app; cùng với đó cuộc chơi sẽ ghi nhận thêm nhiều đối thủ mới.
Và khi càng có nhiều đối thủ cạnh tranh nhau về giá và dịch vụ, khách hàng đương nhiên sẽ rất nhanh chuyển hướng sang các lựa chọn tốt hơn cho họ, không trung thành với bất kỳ đơn vị nào.
Mặc dù, bên cạnh dịch vụ di chuyển, các hãng gọi xe công nghệ đang kiếm tiền bởi nhiều dịch vụ khác như tài chính, giao đồ ăn, nhưng cũng không phải hoàn toàn khả quan vì đây cũng là những mảng miếng ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước hiện đang đưa bàn tay siết chặt hơn hoạt động của các hãng xe công nghệ liên quan đến việc thu phụ phí. Cụ thể, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Giá, trong đó sẽ xem xét quyết định quản lý hình thức đối với khoản thu phụ phí các hãng vận tải.
Như vậy, tham vọng “đốt tiền” để bành trướng thị trường, sau đó tiến tới tận thu bằng phụ phí của các hãng xe công nghệ sẽ bị dập tắt khi cơ quan quản lý siết chặt hoạt động điều chỉnh giá của hãng. Điều này sẽ làm tăng áp lực lên các hãng gọi xe công nghệ đang bước vào giai đoạn lạm thu.
Nhưng ngược lại, việc siết chặt này sẽ giúp thị trường gọi xe sẽ tiến tới công bằng hơn, khách hàng hưởng lợi nhiều hơn khi có đa dạng sự lựa chọn với dịch vụ tốt nhất.